Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

Cha

         Nó biết  Cha từ những năm đầu học đại học, do thỉnh thoảng về núi ở với Chú. Lúc đó, đã là Linh mục nên phải gọi là Cha, nhưng bạn của Chú nên gọi là Chú luôn, heeee. Với lại Cha cũng ưng gọi rứa cho thân tình. Nó đặc biệt ngưỡng mộ các Cha nhà Dòng, giỏi và đẹp trai. Hi hi. Cha chuyên nghiên cứu về Phật giáo và giảng về Phật trong Nhà dòng, nên thiệt là thông thái. Một lần, đêm đó trời nhiều sao lắm, 2 chú cháu ngồi trên núi cao nhìn ra biển Long Hải, Cha nói về cuộc sống, lúc đó nó cũng mơ hồ, chỉ biết cười khi Cha pha trò, mà ổng vui tính thiệt, hiền thiệt là hiền. Rồi nó ra trường, đi làm, những lần về núi cũng thưa dần. Cha cũng không còn ở núi với Chú nữa. Rồi Fb xuất hiện, sự kết nối hồi sinh, và nó biết thêm được nhiều về Cha qua những stt. Cũng hiểu hơn con người của Cha qua bạn bè của Cha. Họ gọi yêu Cha là ông Linh mục Thiền sư, là Ông già không động!

Thỉnh thoảng, nó lại trò chuyện, và lần gần đây nó hỏi: “Chú S khỏe không”, dòng tin nhắn sẽ rơi vào khoảng không vĩnh viễn, vì chiều nay nó được biết Cha đã hôn mê.

Haizz, rồi từng người bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…..

Cha về với Chúa.

Nó không bao giờ quên, trong 1 đoạn đời được quen biết Cha. Không, phải gọi là  Chú, Chú San.

 

HẾT MÌNH

Lại mơ. Sống trong các chòi am bên nhiều tu sĩ Phật Giáo. Và rõ ra những lời Chúa dạy từ vị chân sư, hình như là “ông anh trên núi “. Đó là không thể sống xìu xìu ển ển, mà sống hết mình, sống đến tận cùng. Đó cũng là sống từ bỏ, sống không bám víu vào bất kỳ ai và bất kỳ điều gì!

 

 

Một bài viết rất dễ thương của Cha Vũ Quốc Thịnh CSsR (Người Giồng Trôm)

về người Thầy “Không Động”, cha giáo Giuse Đặng Chí San OP.

MỘT CHÚT VỀ "THIỀN SƯ KHÔNG ĐỘNG"

"Thằng đầu trọc Chúa Cứu Thế đâu rồi ? ... Thằng đầu trọc Chúa Cứu Thế đâu rồi ? ..." Còn văng vẳng bên tai thằng đệ hèn mọn này của "Thiền Sư Không Động" của dòng Đaminh.

Chuyện là ngày xưa đi học, ngủ là chứng bệnh nan y của sinh viên. Bản thân tôi là đồ đệ của thần ngủ.

Hôm nào buồn ngủ là chui xuống cái phên sau giảng đường ngủ. Chưa đi vào giấc mộng thì thiền sư Đặng Chí San hay cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn hay là cố linh mục Giuse Đỗ Ngọc Bảo đi tìm. Đơn giản : "Thằng đầu trọc Chúa Cứu Thế đâu rồi ?".

Anh em Chúa Cứu Thế không bao giờ dám bỏ học. Chỉ có cái buồn ngủ thì ngủ tí tí trong lớp. Vì ngủ không có nghệ thuật nên đành chui xuống cái phên ngủ, mà ngủ có yên với mấy Cha giáo thân thương đâu.

Cái tựa bài của tôi là “một chút”, bởi đơn giản ngôn ngữ thật vẫn là vô ngôn và làm sao dùng từ để diễn tả hết cả cuộc đời của một con người trầm lắng trong Phật Pháp, trong Giêsu, trong thiền lặng.

Quả thế, ai nào đó gần "Thiền Sư Không Động" sẽ hiểu được thế nào lặng và lắng. Nếu không lặng và lắng sẽ không hiểu cũng như không đối thoại được với cái con người "kỳ quái" này.

Từ bài giảng đến bài chia sẻ Tin Mừng hay tâm tư hàng ngày mà Không Động Thiền Sư viết, chỉ những ai lắng và lặng đủ mới hiểu mà thôi. Tin Mừng mà không phải Tin Mừng ! Sắc sắc không không hình như là tâm tình của "Thiền Sư Không Động". Nhiều và nhiều lắm cái kiểu Chúa trong Phật - Phật trong Chúa cũng như con người chìm đắm trong cõi thinh không mới cảm nhận ra Chúa được.

Có lẽ, điều mà những ai hơn một lần được thụ huấn từ cái ông già này đó chính là thao thức về việc dâng Thánh Lễ. Lão "Thiền Sư Không Động" nói với anh em như thế này : "Anh em ơi ! Mình nói thật với anh em. Bí tích Thánh Thể thánh thiêng lắm. Mình xin anh em mỗi khi dâng Thánh Lễ hãy trang nghiêm sốt sắng nhé ! Lúc đó mình kết hiệp với Anh Hai Giêsu và Anh Hai Giêsu ở trong mình đó ! Anh em nhớ cẩn thận khi truyền phép nhé !".

Những tâm tình đó lẽ ra toát ra khỏi con người chỉn chu, giày tây, cà ra vát ... nhưng không. Tâm tình ấy được toát ra từ cáo lão mà ai nào đó mới viết về lão là cái lão khìn khìn hay nói chuyện Phật Pháp ...

Cái ngộ nơi con người "lão" gia Đặng San là như vậy. Lão nhìn vậy nhưng cực kỳ dễ thương.

À ! Mà hình như cái lớp gần gần nhau của Lão như Đổ Ngọc Bảo, Nguyễn Trọng Viễn ... nó cứ còn in đậm vào tâm trí lũ học trò chúng tôi. Và, hình như cái "e" sống của những con người cùng thời đó là như vậy.

"Lão" Nguyễn Trọng Viễn đi dạy học thì quần ống thấp ống cao. Có khi mặc cả quần ống loe ... Loe đây là rách cái gáy quần nhưng chả có ai khâu nên có sao mặc vậy. Triết gia Nguyễn Trọng Viễn là vậy đó.

Còn cố linh mục Giuse Đỗ Ngọc Bảo thì có khác hơn 2 "lão" kia đâu. Con người nhỏ thó đi trên con mô tô to gấp 3, gấp 4 lần con người "lão". Nhìn "lão" Bảo, ai ai cũng thán phục sự miệt mài chuyên cần đi tìm Chân Lý và rao truyền Chân Lý trong dòng giảng thuyết anh em.

May mắn, thời chúng tôi, chúng tôi được thụ hưởng nền giáo dục xem ra "khìn khìn" ấy. Những thiền sư, triết gia sống tuềnh toàng ấy đã chuyển vào trong chúng tôi tấm lòng, tình yêu của anh Hai Giêsu.

Thương nhất là lần nọ. "Thiền Sư Không Động" gọi qua OP để ... giải tội !

Chúa Mẹ ơi ! CSsR đi giải tội cho Op !

Chúa Mẹ ơi ! Học trò đi giải tội cho thầy giáo !

Chúa Mẹ ơi ! Thằng phàm phu tục tử giải tội cho đại lão đại trượng phu Đặng Chán Si !

Chúa Mẹ ơi ! Kẻ tội lỗi đi giải tội cho một bậc cao nhân thánh thiêng !

Chúa Mẹ ơi ! Một kẻ chưa thấm đậm Đồng Chí Giêsu mà dám đi giải tội cho một "Anh Hai Giêsu" mang tên Đặng Chí San.

Với ai chứ với San là như vậy ! San tự cho mình là không động ! Không chấp hình chấp tướng nữa.

Khi giải tội cho ông Thầy. Bỉ nhân nhận ra mình cũng chả ngon hơn gì ông Thầy. Chả qua là nhờ và qua chức Thánh bỉ nhân giải tội cho sư tổ đó thôi.

Dễ thương lắm con người của "Thiền Sư Không Động". Ai nào đó phải sống, phải gần và phải cảm chứ không thì sẽ sốc bởi lẽ một ông cha chả ra cha ra cụ gì cả. Thằng đệ này nó tuềnh toàng còn sư tổ nó còn tuềnh toàng hơn nữa.

Thế đó ! Người đời vẫn nhìn và đánh giá cái vẻ bên ngoài. Giêsu thì lại khác, Anh Hai Giêsu thì thường nhìn bên trong và thấu suốt bên trong chứ không nhìn bên ngoài.

Anh Hai Giêsu nhìn thấy tận đáy lòng của kẻ phàm phu tục tử cũng như ông thầy "Thiền Sư Không Động" này. Chỉ có cái ngộ là ân sủng của Chúa cứ ngày mỗi ngày tuôn đổ trên những con người tuềnh toàng như thầy trò "Thiền Sư Không Động" và kẻ mọn này.

Những ngày này, những ngày không động của Không Động thật là ý nghĩa. Những ngày này Không Động có những cảm xúc và cảm thấu sự gần gũi hơn bao giờ hết Đấng Tình Quân của mình.

Vui cứ như vui ngày nào.

Không cứ như không ngày nào.

Và yêu Giêsu cũng như yêu anh em đồng loại như chưa yêu ngày nào "Thiền Sư Không Động" đáng yêu của con nhé !.

Người Giồng Trôm

 


 R.I.P  Cha (Thứ bảy, 23/3/2024)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét