Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Hàng xóm


Chiều nay, thấy đời xênh xang, đi thẳng về nhà, hông lang thang!
Hàng xóm đã rục rịch dọn dẹp đón Tết, con bé con reo lên: "Cô về!". Hi hi, chắc lần đầu tiên nó thấy mình đi làm về sớm, vừa mở cổng, bé con vọt vô nhà, tiếp theo là 2 cô cậu nữa. Giọng mẹ nó với theo: “Vô nhà cô chơi, đừng phá đồ của cô nghen!”. Uhm, tụi nó đâu có phá, chỉ mở tủ với những lời ngọt ngào: “Cô ơi, con thích uống sữa tươi lắm, con ưng ăn bánh ni, cả trái cây ni nữa,...”. Hi hi, ăn uống xong rồi, bắt đầu chiến dịch lôi sách trên kệ xuống. Ái chà, cái dzụ này thì nhất quyết không thể đồng ý, không để ý một phát là vẽ bậy vô liền, hông chừng bìa còn rời khỏi sách. :(
Một cái đầu thò ra bên hàng rào: “Chị ơi, ăn đậu ván hông, lấy ít về xào, đậu của anh Q trồng đó!”, có cả chủ nhân món đậu í ngồi đó, mình biết ngay anh ta đang bị chọc, vài tiếng cười khúc khích . Thôi, phải từ chối khéo, hee :)
Mấy hôm nay trời nắng, nhìn nắng là thèm giặt đồ, thèm làm dưa món, nhưng bận quá. Sáng sớm nay đang bưng rổ dưa loay hoay tìm chỗ nào nắng cả ngày để phơi, bà già cửa sau lên tiếng: “Con làm dưa món hả, để đó bà phơi cho, bà ở nhà canh nắng. Hic, còn gì bằng!
Chiều đi làm về, vừa mở cửa sau, bà đã gọi “ Con ơi, khô quéo rồi nè, mà răng ít rứa. Mai làm thêm đi, bà phơi cho!” Ui, thương bà quá đi mất!
Nhất định sẽ tặng bà một hủ dưa món xinh xinh.:)
Hàng xóm của mình, quá đỗi thân thương!!!

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Quên


Lại một đêm thức nữa cho công việc của ngày mai, hi hi. Nhưng mình không cảm thấy mệt mỏi, ít nhất là giờ phút này. Có quá nhiều điều để mình suy nghĩ, lâu nay mình chưa hiểu thấu đáo về bản chất của mọi vấn đề. Đúng là biết càng nhiều càng làm con người ta buồn, ( hình như đậu phọng hay bị buồn!) tự nhiên nhớ đến chuyện “Bịnh quên” trong Cổ học tinh hoa đọc hồi lâu lắc,

CỔ HỌC TINH HOA - BỆNH QUÊN
Nước Tống[1] có anh đứng tuổi, tự nhiên mắc phải bệnh quên; buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên; ngày nay cho ai cái gì, ngày mai đã quên; ra đường quên cả đi, ở nhà quên cả ngồi; trước có làm những gì, bây giờ đã quên hết, bây giờ đang làm gì, sau này cũng quên hết.
Cả nhà anh ta lấy làm lo. Xem bói không tốt, đi cúng không đỡ, đón thầy chữa thuốc cũng không khỏi.
Sau có ông đồ nước Lỗ[2] đến xin đám[3] nói rằng chữa được.
Vợ người có bệnh hứa với ông đồ hễ chữa khỏi, thì
chia cho nửa cơ nghiệp.
Ông đồ nói:
- Bệnh này bói không ra được, cúng không khỏi được, thuốc không chữa được. Nay tôi thử hóa[4] cái tâm tính biến cái trí lự[5] anh ta, may mà khỏi chăng.
Nói đoạn, ông đồ liền sai lột áo để cho rét, thì thấy anh ta xin áo, sai cấm ăn, để cho đói thì thấy anh ta xin ăn, sai đem vào chỗ tối, thì thấy anh ta xin ra chỗ sáng.
Ông đồ hớn hở bảo con anh ta rằng:
- Bệnh chữa được, song môn thuốc của tôi bí truyền không thể nói cho ai biết”.
Rồi ông đuổi cả người chung quanh đi, chỉ một mình ông ở với người có bệnh trong bảy ngày. Chẳng ai biết ông đồ chữa, chạy ra thế nào, mà cái bệnh lâu năm như thế khỏi phăng.
Khi anh có bệnh đã tỉnh như thường, anh liền nổi cơn giận, chửi vợ, đánh con, cầm giáo đuổi ông đồ.
Người ta bắt anh hỏi vì cớ gì mà anh giận như vậy, anh ta nói: 
“Lúc trước ta có bệnh quên, thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái, giời đất có hay không, ta cũng chẳng biết. Nay ta hết bệnh, ta lại nhớ cả những việc vài mươi năm về trước, việc còn, việc mất, việc được, việc hỏng, việc thương, việc vui, việc yêu, việc ghét trong lòng lại muôn mối ngổn ngang bời bời nổi lên vậy. Ta e sau này, những việc còn, mất, được, hỏng, thương, vui, yêu, ghét ấy cứ vướng vít trong lòng ta mãi mãi, thì bấy giờ dù muốn quên cả đi một phút, một lát, liệu còn có được nữa chăng?”
Lời bàn:
Lòng người đen trắng, việc đời  đảo điên lắm nỗi ngang tai, trái mắt làm cho người ta không muốn trông, không muốn nghe, thậm chí đến không muốn biết đến, chỉ muốn quên sạch. Bởi thế Liệt Tử thành ra chán đời, mới đặt ra câu chuyện này để tỏ hết cái nỗi bực tức đau thương trong lòng. Ôi! Chẳng gì cái đời cổ tự Liệt Tử cũng còn chất phác, mà đã khắt khe đáng chán như thế, huống chi cái đời bây giờ là cái đời mỗi ngày gian trá quái ác thêm sinh, thì phỏng còn có gì làm cho người biết nghĩ đáng yêu, đáng quí nữa:
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê!

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Móng chân

Tối nay, sau khi sát trùng sạch sẽ cái ngón chân cái, đặt kéo vào đúng vị trí đã nhắm trước, chắc chắn là phần mất đi sẽ không làm ảnh hưởng phần còn lại, mình nhắm mắt "bụp", cái móng chân cái bay ra, văng một đoạn. Bất giác ứa nước mắt, không phải vì đau mà vì tiếc nuối một phần cơ thể mình vừa lìa ra. Dù nó nhỏ xíu xiu nhưng đã gắn bó với mình bao nhiêu năm. Nhìn cái móng chân mới đang tượng hình và phần thịt lồi lên, cái chân trở nên xấu xí quá chừng. Mình đã từng nghĩ, cái móng chẳng bao giờ mọc nữa, nhưng mừng vì thấy nó đã ló dạng, nhưng để trở lại hình dạng đẹp đẽ như xưa thì chắc phải một thời gian thật lâu.
Vì một lần lanh chanh, muốn mở cánh cổng rộng ra cho người khác dễ đi, làm ơn cuối cùng thì mắc nạn! Rồi sau đó còn bị vấp mấy lần nữa. Ôi, thương quá cái ngón chân của mình!
Gói cất cẩn thận phần móng chân làm kỷ niệm.
Ghi nhớ cái ngày này! Nhảm thiệt.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Ong, kiến hay là sâu!


Đồng hồ nhích dần sang con số 1, mắt mình vẫn sáng, đầu óc hoàn toàn tỉnh táo. Thích cái vắng lặng của nửa đêm, lúc đó mình có những suy nghĩ, và “tối kiến” kỳ cục, một thói quen khó bỏ. Tập trung cho một việc ngày mai, nội dung không mới, đã phải lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu năm. Nhưng lần này đối tượng mới hơn , hình thức mới hơn trong một bối cảnh cũng mới: tuần mới, tháng mới, năm mới,... hi hi.
Mở mắt, nghe tivi nhà bên thông báo về sự thay đổi của một đồng chí, thoáng nghĩ sự thay đổi ấy có bắt nguồn từ màu sắc thiện chí!???
Bộ ấy lại mới ra một thông tư mới điều chỉnh lại cái cũ sau một hồi áp dụng thấy không phù hợp. Lại loay hoay! Mình  chẳng quan tâm đến cái thông tư ấy, mình làm theo cách của mình, miễn là các bạn chấp nhận được.
Rất vui vì sáng nay hoạt động đầu tiên đã thành công, và ít nhiều mình tìm thấy sự hợp tác của các bạn.
Thời gian còn lại là sự cố gắng từ hai phía trong mỗi lần chúng ta gặp nhau.
Chẳng biết sau này các bạn sẽ đi về đâu, thành ong, thành kiến hay lại thành những con sâu!