Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

10 năm

             Nhớ lần đầu làm bạn với anh í, mình hồi hộp, tò mò, hông biết trong cái "memory" ấy có bao nhiêu thứ hấp dẫn. và rồi ngày cũng như đêm bên anh í, bao nhiêu chuyện vui buồn, bao nhiêu kiến thức mình học được từ anh ấy.  Những năm ấy, ảnh tươi mới, nhanh nhẹn, giúp đỡ mình vô điều kiện trong công việc, mình vô cùng biết ơn anh ấy.
             Gắn bó với nhau 10 năm, thời gian sau này sức khỏe anh ấy có phần sa sút, chậm chạp, nhiều khi mặc cho mình đụng chạm, anh í vẫn trơ trơ, có lúc rất cần thì ảnh im lặng. Sau bao lần đến bác sĩ, bây giờ nhìn ảnh bệ rạc, te tua. Lần này ảnh được chăm sóc rất lâu, cả tuần nay vẫn chưa hồi phục.
              Hy vọng đây là lần bệnh cuối cùng của ảnh,  mong ảnh mau bình phục để cùng mình tiếp tục sự nghiệp "ngâm cứu". Hi hi :) :) :)


Anh í đó, thương ảnh vô cùng :) :)

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Vợ

Tối qua, bé cháu gửi thông báo khẩn bằng một đoạn văn già chát:


"Tin hot! Tin hot!! Minh Gi có vợ! Minh Gi có vợ!! trưa nay, lúc 1:15', Minh Gi đc kén rể. tiểu thư Câu Lâu thôn nằm bên bờ sông Thu Bồn đã đc viên ngoại Chín Bảnh kén rể cho tiểu thư. Viên ngoại đã chọn Minh Gi làm hiền tế. Tiểu thư đã đc ra mắt Minh Gi vào lúc 1:15' trưa nay. tiểu thư còn thẹn thùng, e thẹn. công tử Minh Gi quấn quít bên nàng. Trong lúc viên ngoại đàm đạo cùng gia chủ, đôi trẻ tình tự dưới gốc mận. sau đó tiểu thư đòi viên ngoại dẫn về. Viên ngoại hẹn ngày mai tái ngộ. (thiên tình sử của Minh Gi) (còn nữa)
ghê hân
gi nhà mình cũng có vợ
đc hỏi xin cho làm rể lun,
ông nớ xin cho con chó ổng ở vs con gi nhà mình
do con chó ổng tới thời kì động dục
mà ổng mún chó con phải đẹp nên chọn con chó đực phải đẹp"

Ôi, em Ghi rồi cũng lên xe bông, hi hi :)

đẹp trai quá cũng khổ:

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Em Ghi


Lại nói chuyện em Ghi đẹp trai của nhà mình,
Hôm kia ảnh bịnh, bé cháu rối trí, than thở làm như ảnh chết đến nơi, làm mình thổn thức, hi hi, muốn bay về đem ảnh đến bệnh viên thú cưng gấp gấp cho bác sĩ thú y khám chứ hông ảnh qua đời thì ân hận lắm lắm.Cứ phải alo alo chừng chừng tình hình sức khỏe của ảnh, hôm qua bé cháu nói chiều ni thấy cũng đỡ rồi, đi qua nhà bạn gái ở xóm trong, tha thẩn ngoài đường. Mình nói vui: “Chắc trong người không khỏe,bịnh xuống cái tự nhiên thấy cô đơn nên phải kiếm người an ủi” hi hi hi, con người mình đôi khi cũng rứa thôi mà!
Hình như cái dạ dày em Ghi có gì không ổn, cứ đau bụng hoài, thỉnh thoảng lại bỏ ăn, rồi thì ói, đi lại không nổi. Hôm tháng trước, Ghi cũng bỏ ăn mấy ngày, làm cả nhà lo lắng, đem đến bác sĩ, họ nói trong vùng có con cái tới mùa yêu đương, nên ảnh hưởng đến nó. Lúc đầu mình không hiểu, sau thì đoán đoán ảnh thất tình.... hi hi hi
Ôi, cuộc đời lắm nỗi khổ đau..... :) :) :)

 Haizz.

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Giáo dục

Một thanh niên nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình tại một đám cưới. Anh ta đến chào người thầy với tất cả sự kính trọng:
-Thầy có nhớ em không ạ?
Thầy giáo nói:
- Thầy không nhớ lắm, hãy nói về em xem nào.
Người học trò nói: Em đã học lớp 3 của thầy hồi đó, em đã ăn cắp chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp. Em chắc là thầy nhớ chuyện đó mà.
Một bạn trong lớp có một chiếc đồng hồ rất đẹp, vì vậy em đã ăn trộm nó. Bạn ấy khóc và méc với thầy có người lấy cắp đồng hồ của bạn. Thầy bảo cả lớp đứng cho thầy soát túi. Em nhận ra rằng hành động của mình trước sau sẽ bị phơi bày ra trước mặt tất cả các bạn. Em sẽ bị gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi.
Thầy đã bắt chúng em đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại. Thầy soát từng chiếc túi, và khi lấy chiếc đồng hồ từ túi của em, thầy tiếp tục soát đến túi của bạn cuối cùng. Xong xuôi, thầy kêu chúng em mở mắt ra và thầy ngồi xuống ghế. Giây phút đó em thật sự lo sợ là thầy sẽ bêu tên em ra trước các bạn.
Thầy giơ cái đồng hồ cho cả lớp thấy và đưa trả lại cho bạn ấy. Thầy đã không nêu tên người ăn cắp chiếc đồng hồ. Thầy không nói với em một lời nào và cũng không bao giờ đề cập chuyện đó với bất cứ ai. Suốt những năm tiểu học, không một giáo viên hay học sinh nào nói với em về chuyện ăn cắp đồng hồ. Em nghĩ Thầy đã cứu vớt cho danh dự của em ngày đó. Thầy không nhớ em sao? Sao thầy lại không nhớ em được, thưa thầy? Em chắc là thầy phải nhớ câu chuyện em đã ăn cắp cái đồng hồ và thầy không muốn làm em xấu hổ. Đó là một câu chuyện không thể nào quên.
Người thầy đáp:
-Thầy không thể nào nhớ được ai đã lấy cắp cái đồng hồ ngày đó, bởi vì khi thầy soát túi các em, thầy cũng nhắm mắt!
Thầy nghĩ rằng việc lấy chiếc đồng hồ đó là một hành động nhất thời bồng bột của các em, thầy không muốn hành vi đó lưu lại trong trí nhớ của các em như một vết nhơ mà muốn đó như là một bài học để rút kinh nghiệm. Cho nên tốt nhất thầy không nên biết người đó là ai, và cũng không nên nhắc lại việc đó vì thầy tin rằng em nào đã lấy sẽ tự biết sửa đổi để trở thành người tốt hơn.
Giáo dục là làm cho con người biết hướng thiện, giáo dục không phải là sự trừng phạt!
Câu chuyện đúc kết lại bằng một bài học nhân văn : " Một người dẫn dắt phải biết VUN XỚI , chứ không phải là TRIỆT HẠ ! "
(sưu tầm)

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Già

Dấu hiệu của tuổi già là gì?
1. Yếu đi về sức khỏe,sức lực
2. Giảm sút về trí tuệ
3. Xấu đi về hình thức
4. Thay đổi theo chiều hướng xấu về tâm lý
Bạn sẽ trở nên xấu xí, đãng trí, và cực kì khó tính, cau có, hay bắt lẽnhưng không bao giờ chịu mình như vậy. Nghe ghê quá he.Hi hi
Nói vậy thôi, cũng tùy người, mình vẫn còn được gặp những người già dễ mến. :) :)

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Chị

(Vừa làm 1 việc ngu ngốc! Nơi này mới đúng dành cho mình, ghi để nhớ ngày chị đi)
Xin phép anh, mượn một vài đoạn......
Tiễn biệt chị vè với cậu mợ (mợ cũng đi trước chị 10 ngày thôi), chị yên nghỉ nghen chị!!!! :D
                          TỪ TẠ KIẾP NGƯỜI 
Đang ở Cà mau
Nghe tin chị mất
Tai lùng bùng , vịn chân trên đất
Mưa đầy trời , đen kịt miệt U minh
       Em quay về , xe đi trong mưa
      Mưa từ Vị Thanh , mưa qua Cai lậy
      Về đến Sài Gòn
      Thấy chị  ngồi , giữa nhang khói quanh quanh 
....................................................
..............................................
..........................................
.................................

Dằng dặc cuộc tồn sinh
Em tìm chị , chị thăm em bao bận
Đời em lận đận
Gẫm cho cùng , đời chị có vui không ?
       Nén nhang này
       Em tiễn chị
       Thôi chị đi , đi về nơi an lạc
       Khói lay bay…
                   …chị từ tạ kiếp người !

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Pen friend

Nó học, trong bài có từ: "Pen friend", cô giải thích là Bạn qua thư. Nó ngồi ngay bàn đầu nói nhỏ: -- - - Bạn ảo.
 Cô cười và nói: gần như vậy.
Rồi cô vui miệng hỏi cả lớp
- Có gì khác giữa Bạn thiệt và Bạn ảo
Rất nhiều ý kiến được đưa ra. Nó không có ý kiến gì.
Trong giao tiếp, ngôn ngữ hinh thể rất quan trọng, đôi khi nó còn giúp mọi người tránh hiểu lầm ý tưởng của nhau. Một điều mà bạn ảo hông bằng đó là hai người bạn thật có thể hông nói gì nhiều, chỉ nhìn ánh mắt là hiểu được nhau.Hi hi :)
hakuna matata! :)

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Hành trình

Tháng 9 sắp kết thúc, nhưng nó lại bắt đầu một cuộc hành trình, không biết có đến được đích không
Nó luôn dặn lòng hãy cố gắng. Có câu: để bắt đầu thì không bao giờ là muộn.
Hy vọng mọi việc suôn sẻ với nó.
Time will tell :) :) :)

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Mạnh thường quân

Ngày thứ 57/180 của ông Dương Quang Thiện

TTO - Năm mươi mấy ngày qua, mỗi sáng trên Facebook Quang Thien Duong lại xuất hiện một con số đếm, đếm từng ngày tới mốc 180 - cái mốc 6 tháng mà bác sĩ nói với ông Dương Quang Thiện về thời gian ông có thể sống sau cơn bệnh tái phát.

Khước từ mọi can thiệp y khoa, ông lẫm liệt đi vào cuộc chết của mình, bỡn cợt đếm xuôi đếm ngược mỗi sáng. Ông đếm lần cuối vào ngày thứ 52, và đến ngày thứ 57 thì ông ra đi. Không vướng bận. Không khiến bất cứ ai bón cháo, chăm thuốc.
Ông hẳn đã rất thanh thản và vui vẻ về với "bà đầm" (bà Agnès Dương Quang, quốc tịch Thụy Sĩ, đã mất năm 2012), và để lại cho chúng ta một cuộc đời lớn.
Con người ta sinh ra, không phải chỉ để ăn như nhiều người bỡn cợt nói thế, mà thực chất là để giải quyết các vấn đề cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước hoặc cho nhân loại. Các vấn đề là muôn hình vạn trạng, thượng vàng hạ cám. Mà muốn giải quyết vấn đề thì phải học.
Kỹ sư DƯƠNG QUANG THIỆN
Học để giải quyết vấn đề
Ông viết: "Con người ta sinh ra, không phải chỉ để ăn như nhiều người bỡn cợt nói thế, mà thực chất là để giải quyết các vấn đề cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước hoặc cho nhân loại.
Các vấn đề là muôn hình vạn trạng, thượng vàng hạ cám. Mà muốn giải quyết vấn đề thì phải học. Nếu giáo dục giúp đào tạo đúng và đủ người để giải quyết các vấn đề xảy ra trong mọi môi trường thì đây là một nền giáo dục tốt.
Một nền giáo dục đào tạo được những con người có thể giải quyết vấn đề một cách ngon lành là một nền giáo dục tốt. Thế thôi". Ông đã sống đúng như thế, và mong ước của ông cũng là như thế.
55 năm theo đuổi ngành công nghệ thông tin, là người đầu tiên đã đưa điện toán, tin học, lập trình vào Việt Nam ngay trong những năm chiến tranh ác liệt (1969 - PV), mục đích cuối cùng mà ông Dương Quang Thiện đặt ra cho các dòng lệnh là ứng dụng vào đời sống kinh tế, hành chính, giải quyết các vấn đề đã và sẽ xảy ra trong xã hội.
Vì vậy mà ông đã từ chối việc làm và cơ hội phát triển nghề nghiệp tại Hãng IBM ở Pháp để về Việt Nam đang mịt mù khói lửa chiến tranh vì "Đất nước tôi còn nghèo, còn chưa phát triển sẽ cần tôi hơn".
Vì vậy mà những bộ sách dạy tin học đồ sộ của ông được biên soạn với phong cách rất khác: những kiến giải thật cặn kẽ về các ứng dụng trong thực tế đời sống, khiến người đọc và học phải quan tâm nhiều hơn tới xã hội bên ngoài màn hình máy tính.
Người theo dõi các trang cá nhân của ông sẽ thấy những bài viết đủ các chủ đề: từ giáo dục đến nạn tham nhũng, từ dân số đến cải cách hành chính, từ kinh tế đến quân sự, từ vi mô đến vĩ mô, trong nước đến quốc tế... với số liệu được phân tích, đối chiếu dưới mắt một kỹ sư, và những nhận định của một trái tim yêu nước đến thao thiết.
Bộ sách tâm huyết cuối cùng của ông Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản trị xí nghiệp cũng không ngoài mục đích ấy.
Ông tự giới thiệu: "Tập sách này không phải là phần mềm ERP (Enterprise Resources Planning - Hoạch định nguồn lực xí nghiệp), mà là sách hướng dẫn bạn tự tạo một phần mềm ERP thích ứng với xí nghiệp của mình, giống như bạn tự tay làm một cái bánh theo kiểu của mình, thay vì ra siêu thị mua bánh sản xuất hàng loạt...".
Với những chiếc bánh ERP ấy, ông hi vọng sẽ sớm đến ngày chúng ta có một xã hội được quản trị bằng công nghệ thông tin với hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất.
"Lúc đó, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, dễ dàng, biến mất những bộ máy hành chính cồng kềnh để mọi người lo việc khác, và sẽ biến mất cả những cơ hội tham nhũng nữa", ông Thiện đã cười rất tươi mà trình bày về ERP với tất cả những ai quan tâm, dù đó có phải là "dân công nghệ thông tin" hay không.
Ngày thứ 57/180 của ông Dương Quang Thiện - Ảnh 3.
Ông Dương Quang Thiện và vợ (bìa phải) tại lễ khánh thành năm lớp học từ kinh phí do ông bà tài trợ ở Trường phổ thông cấp I Bình Thuận, xã Tân Quý Tây (Bình Chánh, TP.HCM) năm học 1993-1994 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Giáo dục nuôi giáo dục
Thảm cỏ của căn biệt thự hôm nay vẫn mướt xanh, những nhành hoa lan vẫn tươi thắm. Trong gian phòng, những chồng sách vẫn đang chờ được lật giở, nụ cười của hai ông bà trong những tấm ảnh vẫn nhuần hậu như bao giờ.
Một góc phòng, cô "thạc sĩ mắm ruốc" Đào Thị Hằng - người mà ông đã hỗ trợ và nhận làm người nhà qua chương trình Tiếp sức đến trường, ngồi trào nước mắt. "Từ nay, Sài Gòn với tôi đã không còn sự ấm áp của "nhà", vì không còn ông", cô nghẹn ngào.
Hằng chỉ là một trong số rất rất nhiều những sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ đã từng nhận học bổng, sự trợ giúp, hỗ trợ vô điều kiện từ ông bà Dương Quang Thiện thông qua các chương trình mà ông bà tham gia.
Đến với "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ từ năm 1989, đến nay đã chẵn 30 năm những khoản tiền từ nhuận bút, bán sách của ông được biến thành những suất học bổng cho sinh viên nghèo, những cây cầu bắc đến ngôi trường vùng khó, thay thế vật liệu cho những lớp học tranh nứa lá.
Cũng chuyên nghiệp như viết sách, làm sách, kế hoạch tài trợ của ông bà được hoạch định chi tiết từng tháng, từng năm, bền bỉ và vững chãi.
"Đây là khoản đầu tư cho tương lai chứ không phải làm từ thiện, các em không nợ chúng tôi cái gì, hãy trả lại cho cuộc đời", lúc nào ông cũng nhắc lại câu ấy mỗi khi tận tay trao học bổng sinh viên, và cả lúc chỉ còn có thể gọi nhân viên của báo đến tận nhà lấy vì không còn có thể ra khỏi nhà.
Khi nào cũng là những lời dặn dò chí tình, khi nào cũng là điệu cười xòa sau những câu hỏi ra vẻ thật khó tính.
Những tháng năm cuối cùng, khi bắt đầu chương trình đếm ngược đếm xuôi từng ngày sống, một trong những mối bận tâm cuối cùng của ông vẫn là những suất học bổng mà ông sẽ "đầu tư cho tương lai".
Nhiều kế hoạch, nhiều phương án đã được ông đặt ra, thảo luận, tìm người ký thác. Cho đến ngày cuối cùng, ông bảo: "Xong rồi, tôi có thể về sớm với bà đầm rồi". Và ông đi...
Cuộc đời ông thanh thản khép lại, nhưng sự nghiệp "lấy giáo dục nuôi giáo dục" của cả hai ông bà vẫn còn tiếp tục.
Và những câu chuyện, những vấn đề ông từng cùng những người trẻ thảo luận, đối thoại thì lại vẫn cứ tươi mới, vẫn hừng hực nhiệt huyết của cống hiến. Lần giở, đọc lại và nghe thấy giọng cười "Hay ta..." của ông đâu đây.
Bắt đầu công trình “Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản trị xí nghiệp” từ tuổi 80 chỉ với một cộng sự duy nhất, sau ba năm ông đã hoàn thành bộ sách 8 tập và lại tiếp tục xắn tay lên trực tiếp phát hành từng cuốn một, trực tiếp hướng dẫn từng người trẻ tiếp cận ERP, và không quên thổi vào họ nhiệt tâm cống hiến cho xã hội, cho đất nước... Cho đến ngày cuối cùng, ngày thứ 57/180 của ông.
Ông Dương Quang Thiện sinh 1934, mất lúc 16h06 ngày thứ tư 7-8-2019, thọ 85 tuổi.
Lễ viếng lúc 7h30 ngày 8-8 tại tư gia số 84A/7 Trần Hữu Trang, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (cuối đường Trương Quốc Dung).
Lễ động quan lúc 5h30 ngày 11-8. Hỏa táng tại công viên nghĩa trang Phúc An Viên, Q.9, TP.HCM.

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Thọ

         Nó có tật đi chợ cứ mua của ai thấy được là mua riết của người đó. Chị tên Thọ, người thật thà, vui vẻ lại mặn mà dễ nhìn, mỗi lần thấy nó đến, chị đều nói:
        - Bữa nay ăn chi đây bé! (Nghe buồn cười, mà cũng thích, hi hi???!!!)
         Chị chở hàng từ quê chị xuống, mớ rau, trái cà, củ, quả.....               Bao nhiêu năm rồi, nó trở thành khách hàng ruột của chị.
         Vậy mà, hôm bữa nó ghé, cái sạp quen thuộc của chị được phủ 1 tấm bạt, ngạc nhiên, nó hỏi chị kế bên và được biết, chị bị ung thư, đang đi bịnh viên điều trị. Nó sững sờ, cả ngày hôm đó, và nhiều ngày sau nữa vẫn chưa hết bàng hoàng,  Đúng là, căn bệnh tai ác, chẳng chừa một ai, thương quá, những người hiền lành, dễ mến.
         Chiều nay ghé lại, vẫn chưa thấy chị, lại biết thêm chị là người mẹ đơn thân. Rồi đây, con chị, cậu bé chưa học hết phổ thông sẽ cô đơn biết dường nào.
         Sao cuộc sống của chị lại không giống như cái tên mà chị được đặt nhỉ.
Haizz, đời như trái banh, dồng xuống dồng lên, lâu ngày cũng xì,,,,
Nó, cũng đang muốn xì, hi hi :)

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

Tiếu lâm

            Mình cũng không dám lạm bàn chuyện thời sự, xã hội, cũng không quan tâm đến những phát biểu của các vị, chỉ là thấy bài này tiếu lâm quá, nhất là văn phong, xin phép chủ nhân và mình cóp vô đây thỉnh thoảng đọc cho dzui.

TIẾU LÂM AN NAM:
HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN "LU CHỐNG NGẬP"
UBND TP quyết định triển khai thực hiện dự án "Lu chống ngập" trên địa bàn toàn Thành phố, theo sáng kiến của đ/c PGS/TS Xuân Hương.
Cụ thể như sau:
A- THỜI GIAN:
Từ 15 tháng 7 năm 2019 cho đến khi dự án thoát nước của TP hoàn tất, không còn nguy cơ lụt lội trong các quận nội thành.
B- NGÂN SÁCH:
- Thành phố sẽ đảm bảo cung ứng toàn bộ số lu cần thiết, kể cả số lượng thay thế trong tương lai.
- Mọi chi phí liên quan đến sản xuất, giao hàng và quản lý sử dụng sẽ được cộng vào đơn giá và tính thêm vào hóa đơn sử dụng nước hàng tháng cho đến khi hoàn vốn.
C- KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI
1- Sở Công thương kết hợp với Hội Mỹ thuật Thành phố tổ chức hội thảo và thi mẫu thiết kế "Lu chống ngập 4.0". Thiết kế phải đảm bảo tính Dân tộc, tính Nhân văn và tính Hiệu quả.
Dự kiến tuần cuối cùng của tháng tám, các mẫu lu dự thi sẽ được trưng bày ở phố đi bộ Quang Trung cho nhân dân góp ý kiến trước khi đưa vào sản xuất đại trà.
2- Để tránh tình trạng tiêu cực trong tổ chức đấu thầu sản xuất lu chống ngập, Thành phố sẽ đầu tư ngân sách để xây dựng một lò gốm hiện đại dưới sự quản lý của Ban Kinh tế Thành Ủy. Dự kiến đến 31 tháng 12 năm 20xx, lò gốm 4.0 sẽ đủ cung cấp cho như cầu của Thành phố và các tỉnh thành có nhu cầu chống ngập.
D- QUẢN LÝ THỰC HIỆN
1- Giấy biên nhận: Số lượng lu phát cho mỗi hộ gia đình được tính dựa trên diện tích sinh hoạt và số đầu người. Khi bàn giao lu, bên vận chuyển phải có giấy biên nhận của người sử dụng. Giấy biên nhận cần in sẵn 3 liên, một cho nhà sản xuất, một cho bên giao nhận và một cho chủ hộ gia đình (người sử dụng).
2- Bản cam kết: Các hộ gia đình nhận lu chống ngập phải cam kết những điều sau đây:
- Sử dụng đúng mục đích. Không dùng lu chống ngập để cất trữ tài sản, kho chứa hàng hóa, vật dụng sinh hoạt.
- Đảm bảo hứng tối đa lượng nước mưa rơi xuống bằng cách dọn sạch ống máng trước và sau mỗi trận mưa. Nhà chung cư phải lắp thêm hệ thống hứng nước di động để hứng đủ hạn mức quy định.
- Nước mưa trong lu sẽ được xả vào hệ thống nước thải thành phố theo lịch trình của Công ty Vệ sinh đô thị, đề phòng nguy cơ ngập úng thứ phát.
- Đề phòng các bệnh dịch mùa hè do muỗi gây ra, các lu chống ngập phải thường xuyên được đậy nắp, và chỉ được mở ra khi có cơn mưa. Mỗi tổ dân phố nên có một ban phụ trách việc đóng mở nắp lu, đặc biệt đối với các hộ gia đình đi làm vắng nhà từ sáng đến tối.
- Lu nước vỡ, hỏng phải được thay thế ngay lập tức. Mọi chi phí thay thế do bên sử dụng chi trả.
Sau mỗi trận mưa, các Phường phải tổ chức kiểm tra và đo lượng nước mưa hứng được. Mọi sự vì phạm sẽ được xử lý theo các chế tài tài chính, nhằm tăng thêm nguồn thu ngân sách.
Nghị định này có hiệu lực ngay từ ngày ký.
01/04/20XX
(Ai tin thì tin, không tin cũng không sao)
- Nguồn: Chung Le -

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Đời người


Chiều nay Cô đi, hy vọng Cô tìm được dượng nơi miền xa, mấy năm gần đây Cô bị lẫn, chỉ nhớ vùng ký ức thời con gái, chính xác hơn là lúc mới có chồng, bởi ngày ngày thấy ai Cô cũng hỏi:
-         Thấy chồng tôi đâu không, đi chơi đâu mà lâu rứa, đã về ngang nhà mà cũng không chịu vô, đi mô đi hoài.
Con cái trong nhà thì hầu như không nhớ, cứ nói:
-         Ơ cái chị này, nhà đâu không về, cứ tới nhà tôi ở hoài.
Lúc thì:
-         Chị này tội thiệt, người dưng mà chăm lo cho tôi đủ thứ.
…vvv
Thỉnh thoảng mình ghé thăm, và thích nhìn cô hiền lành, thích nghe những câu chuyện ngây ngô như trẻ nhỏ, tự nhiên thương chi lạ. Hôm bữa bị té, câu đầu tiên cũng kêu: “Mẹ ơi!”, y như con nít. Cô là con gái duy nhất của nhà ông nội bác, mặc dù đã xuống đến 3, 4 đời nhưng anh, em, chú bác trong đại gia đình mình vẫn gần gũi, thương yêu nhau như anh em ruột. Nhà nội bác ai cũng thọ, nhà nội mình thì sống ít hơn (riêng điều này thì mình rất hài lòng,luôn hy vọng sẽ được di truyền, hi hi)
Vĩnh biệt Cô, mong Cô yên nghỉ bình yên như cuộc đời mà Cô đã trải qua.

(Vậy là Cô mất cũng giờ cùng ngày với GS Hoàng Tụy.)

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Ghi

           Vậy là ku cậu về nhà mình được gần 2 tháng, nhớ hôm mới được ẵm về, cậu í còn bú mẹ, chẳng biết ăn, cả nhà ai cũng thương, nhỏ cháu cho uống sữa, mấy viên thức ăn thì cậu ta hông thích ăn. Anh mình bèn áp dụng cái cách truyền thống  mà mấy bà mẹ trẻ thường cho là "mất vệ sinh": nhai cơm cho ku cậu! Ấy vậy mà cậu ta ăn ngon lành, quen dần, sau vài tuần là ăn cơm giỏi lắm.
Thương nhất là đêm đầu tiên xa mẹ mà chẳng kêu khóc gì hết, tối ngủ rất ngoan, sáng sớm chạy ra vườn ị, không như mấy anh trước cứ vương vãi lung tung báo hại mọi người trong nhà phải dọn dẹp miết. Bé cháu nói "
- Đúng là giống Tây có khác, tự lập và có ý thức!
Hi hi, hông biết có phải vậy hông :)
Thương quá đi, hy vọng anh í sẽ ở miết với gia đình mình, đừng như mấy anh trước, làm cô cháu mình khóc hết nước mắt!
 :)
Cưng chưa:

:)

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

HTQ

Hôm nọ đọc mấy dòng stt trên fb hắn:


25 điểm đến ngon lành nhứt thế giới, theo TripAdvisor 
Hơi lạ khi thấy có Playa del Carmen trong danh sách này. Có thể vì mình ở đây chỉ một ngày một đêm nên chưa thấy hết sức hấp dẫn của nơi này dù có đi Rio Secreto và dạo dọc biển lẫn 5th Avenue buổi tối, chụp hình đúng chỗ cái hình trong bài.
Những nơi ít ỏi đã đi (mới 13/25): Hong Kong, Playa del Carmen, Tokyo, Ha Noi, New York, Siem Reap, Prague, Barcelona, Phuket, Bali, Rome, Paris, London.
Sém đi: Kathmandu, Lisbon
Sắp đi: Marrakesh, Istanbul
Sẽ đi: Cusco, Sydney, Hurghada

Haizz, cái anh chàng, cứ một mình tung tăng khắp thế gian, một dạo nọ, cũng lâu lắm rồi (và bây giờ thì không thấy nữa) có 1 cô bé thật xinh cũng cùng lang thang đó đây, chụp hình các kiểu, nhưng tuyệt chẳng bao giờ thấy họ tag, tíc fb nhau! (một điều hiếm thấy ở các cặp đôi).
 Mình thật sự ngưỡng mộ sự giỏi giang, bản lĩnh và tự do của anh chàng này. :)

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Ảnh



“...Tôi mong muốn rằng, các bạn không treo chân dung tôi trong văn phòng làm việc của các bạn. Bởi tổng thống không phải là thần tượng, cũng không phải là thánh nhân. Tổng thống không phải là bức chân dung. Hãy treo ảnh các con bạn vào chỗ đó và trước khi quyết định một việc gì thì hãy nhìn vào mắt chúng”
(Phát biểu của tân tổng thống Ukraine Vladimir Aleksandrovik Zelenski trong lễ tuyên thệ nhậm chức).


Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Tỉnh

Bất ngờ chiều nay nhận được một câu hỏi:
- Tại sao chị không yêu ai"
Cười.
- Có phải là chị "tỉnh" quá không?
Cười
- Cuộc sống, đôi lúc cũng phải mông muội  một chút chị à
Cười
Tối về cứ suy nghĩ, có phải mình là vậy không ta???!!! :)

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Hạnh phúc

               Hôm trước ngồi ở phòng khám một nha sĩ quen, đã lâu lắm mới trở lại bệnh viện của anh, bệnh nhân đông hơn rất  nhiều so với ngày anh mới thành lập, anh dành hẳn 1 tầng cho nha khoa, nghề chính của anh, mà bây giờ cậu con trai đầu của anh nối nghiệp.  Vĩ là những người trẻ, sự tiếp cận văn minh nhanh chóng, biết cách đem những điều học được để thay đổi  chất lượng cuộc sống, bên cạnh việc làm ra được nhiều tiền, họ biết cách sử dụng tiền hợp lý và không lệ thuộc vào nó quá nhiều, Trên tầng 3 ấy, cậu nha sĩ trẻ dành riêng cho mình một không gian rất yên tĩnh, tiện nghi, chỉ cách 1 lớp cửa kính, mà không gian khác nhau khá rõ dành cho những bịnh nhân có lịch hẹn. Trong lúc chờ, mình nhìn trên chiếc giá sách nhỏ ở góc phòng, và tìm được một cuốn sách mỏng đọc một hơi. Tình cờ hôm nay đọc trên tờ tuổi trẻ, gặp đúng ngay cái từ hôm nọ mình đọc trong cuốn sách nhỏ đó: "hygge"
Mình,  không có nhiều tiền, nhưng mình  không thiếu hygge!!! :)
Copy cái bài này vào để dành:

Ở xứ sở “hạnh phúc quá mức”




TTCT - Hẳn Đan Mạch, một quốc gia bé nhỏ ở Bắc Âu, chưa bao giờ là lựa chọn phổ biến cho những chuyến thiên di. Kasper, anh bạn người Đan Mạch tôi mới quen, còn trêu: “Chào mừng bạn đến với đất nước lạnh lẽo, ẩm ướt, tối tăm và lộng gió suốt chín tháng mỗi năm này. Còn đắt đỏ nữa chứ. Nhưng phần lớn chúng tôi được cho là rất hạnh phúc khi sống ở đây. Tôi mong bạn cũng cảm nhận được như vậy!”.
Ở xứ sở “hạnh phúc quá mức”
Hạnh phúc là bên nhau. Ảnh: Hoàng Oanh

Đan Mạch liên tục nằm trong top đầu các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Được sống hạnh phúc - như vậy đã đủ cho một lý do để tôi chuyển đến Đan Mạch ít nhất một lần trong đời chưa nhỉ?
Sưu cao thuế nặng, 
hạnh phúc nổi không?
Đan Mạch là quốc gia mà người dân phải đóng thuế nhiều nhất thế giới, từ mức thấp nhất là 46,98% lên đến mức cao nhất 67,98% tùy thu nhập. Nghĩa là từ một nửa đến hai phần ba số tiền bạn kiếm được mỗi tháng mặc nhiên không phải là của bạn.
Thú thật tôi có phần sốc khi biết sự thật này, khi mà cùng lúc một sự thật khác lập tức hiện ra: Đan Mạch cũng là một trong những đất nước có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. Sao có thể hạnh phúc khi ta luôn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền và sưu cao thuế nặng?
Ở xứ sở “hạnh phúc quá mức”
Xe đạp để khắp nơi. Ảnh: Hoàng Oanh

Câu trả lời hóa ra lại rất đơn giản: Người Đan Mạch hạnh phúc vì họ chẳng buồn lo lắng đến cả hai điều đó. Ừ thì đóng thuế cao ngất ngưởng thật đấy, nhưng họ vẫn vui vẻ đóng vì tin rằng đó là một sự đầu tư chính đáng cho chất lượng cuộc sống của chính mình.
Tiền thuế được dùng để duy trì hệ thống an sinh xã hội vốn được xem thuộc hàng hào phóng và bình đẳng nhất thế giới. Việc khám, chữa bệnh là hoàn toàn miễn phí với dịch vụ hạng nhất cho tất cả công dân và người có thẻ cư trú (kể cả tôi, một người nước ngoài với tấm thẻ vàng tạm trú một thời gian, cũng được hưởng trọn đặc quyền này).
Giáo dục cũng hoàn toàn miễn phí, ở bậc đại học thậm chí sinh viên còn được nhận lương hằng tháng để tập trung học. Thư viện mở cửa cho tất cả mọi người với hàng ngàn đầu sách, phim, tài liệu miễn phí. Khi tốt nghiệp, bạn sẽ dễ dàng kiếm được việc làm với rất nhiều cơ hội dành cho tất cả mọi người, chỉ cần bạn không lười biếng. Không có sự phân biệt giữa công việc tay chân hay bàn giấy, tất cả việc làm lương thiện và có ích đều được tôn trọng ngang nhau.
Ở sở làm, sếp sẽ khuyến khích bạn về nhà khi hết giờ, mỗi tuần làm đúng 37 tiếng là đủ, không cần vất vả tăng ca. Nếu có con, một chế độ nghỉ chăm con dài ngày được trả lương (lên đến 52 tuần) cho cả hai bố mẹ. Chính phủ cũng hỗ trợ tiền phụ cấp nuôi con, các nhà trẻ thường là miễn phí hoặc có học phí rất phải chăng.
Ở Đan Mạch, lòng tin là một giá trị vô cùng quan trọng. Để người dân có thể vui vẻ đóng thuế lên đến 67% mà không phàn nàn hay nghi hoặc, hẳn đó phải là một xã hội đề cao sự tin tưởng, uy tín và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong một tập thể.
Khi tôi lạm bàn về chuyện tham nhũng, hối lộ và bòn rút công quỹ ở những quốc gia khác dẫn đến việc lòng tin bị bào mòn, những người bạn Đan Mạch của tôi há hốc mồm ngạc nhiên và khẳng định đó là điều tuyệt đối không được chấp nhận ở đất nước họ.
Ở đây, người ta hạnh phúc vì tin vào một nhà nước minh bạch không tham nhũng, tin vào những anh cảnh sát công bằng không nhận hối lộ, tin vào những người dân trên đường sẽ trả lại của rơi nhặt được, tin vào người đi bộ sẽ không băng qua đường trái luật dù lúc đó không có chiếc xe nào đi nữa.
Và sốc nhất có lẽ là lần tôi nhìn thấy những chiếc xe nôi có em bé đang ngủ ngon lành được để hớ hênh ngoài phố, trong khi cha mẹ đang bận uống cà phê trò chuyện cùng bạn bè trong quán bên đường. “Họ thật sự không sợ ai đó bắt cóc con mình à?” - tôi hốt hoảng hỏi anh bạn người Đan Mạch đi cùng. Anh cười bảo: “Đúng vậy đấy. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau rất nhiều!”.
Ở xứ sở “hạnh phúc quá mức”
Thư viện miễn phí cho mọi người. Ảnh: Hoàng Oanh

Hygge - sự ấm áp cùng nhau
Người Đan Mạch có hẳn một từ để miêu tả cách họ hạnh phúc, đó là hygge. Đây là một từ không thể dịch ra chính xác sang ngôn ngữ khác, nhưng có thể hiểu nôm na là “sự ấm áp”, “sự thoải mái”, “sự bên nhau”.
Người Đan Mạch nói suốt về hygge, giống như người Mỹ nói nhiều về tự do vậy. “Tôi muốn về nhà sớm để tận hưởng một chút hygge”, “E hèm, bộ đồ cô ấy mặc hôm nay trông thật là hygge”, “Anh có bật lửa không? Tôi muốn đốt chút nến để bữa tiệc được hygge”.
Nghĩa là chỉ cần một tách cà phê nóng bên lò sưởi cùng cuốn sách, một bữa tối cùng bạn bè hay gia đình bên ánh nến, một chiếc áo len hay đôi tất thật ấm, một cuộc trò chuyện thoải mái cùng người yêu... - những điều bình dị, bé nhỏ mà ấm áp này đã tạo nên cả một nền văn hóa hygge, cốt lõi của hạnh phúc mà bất cứ người Đan Mạch nào cũng có thể trở thành bậc thầy.
Nhờ có hygge, xã hội Đan Mạch đã tiến đến một trạng thái mà việc ta có bao nhiêu tiền không hề liên quan đến chất lượng cuộc sống của ta thế nào. “Tiền nhiều để làm gì?”, câu hỏi gây sốt gần đây ở Việt Nam nếu được đặt ra ở Đan Mạch, họ sẽ trả lời ngay và luôn: “Để đóng thuế, phần còn lại để mua nến, bánh xốp quế, mấy chai bia Carlsberg, bộ đồ chơi Lego, quần áo ấm. Vậy là đủ hygge. Đủ hygge là đủ hạnh phúc”.
Ở xứ sở “hạnh phúc quá mức”
Đạp xe để giữ sức khỏe. Ảnh: Hoàng Oanh

Hạnh phúc cũng là khi mùa xuân đến sau bao nhiêu tháng dài lạnh lẽo ẩm ướt, người Đan Mạch sẽ tổ chức ăn mừng bằng Lễ hội Fastelavn truyền thống với bánh mì ngọt, kẹo, tiệc hóa trang, các trò chơi dân gian vui nhộn.
Người ta tự tay làm tặng nhau những tấm thiệp thủ công gắn cành hoa tuyết kèm bài thơ lãng mạn hoặc hài hước để chào đón mùa xuân. Và khi những ánh nắng vàng ươm hiếm hoi bắt đầu nhảy múa báo hiệu một mùa hè đã về, người Đan Mạch sẽ trở nên “hạnh phúc quá mức”, anh bạn Kasper của tôi khẳng định như vậy.
Bởi mùa đông dài ở xứ sở này khiến người ta thấy trân quý những ngày ấm áp ngắn ngủi, họ đổ hết ra đường, uống bia, nướng thịt, phơi nắng, đạp xe, bơi lội, cười nói. Tất nhiên, họ làm tất cả những thứ đó với một tinh thần hygge - một khái niệm về hạnh phúc - ở mức độ cao nhất.■
Theo Báo cáo hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc dựa trên 6 chỉ số về tự do, thu nhập, lòng tin, sức khỏe, an sinh xã hội và sự hào phóng, Đan Mạch nhiều năm liền dẫn đầu thế giới, trở thành quốc gia hạnh phúc nhất.
Năm 2018, nước láng giềng Phần Lan đã vươn lên dẫn đầu, đẩy Đan Mạch xuống vị trí thứ ba sau Na Uy. Việc này có vẻ đang trở thành một “nỗi buồn quốc gia” với Đan Mạch. Bằng chứng là hôm rồi tôi đi xem phim ở Copenhagen, họ cứ chiếu đi chiếu lại đoạn quảng cáo “cảnh tỉnh” rằng người Phần Lan và Na Uy đang hạnh phúc hơn người Đan Mạch, rằng người Đan Mạch cần phải làm gì đó để cải thiện tình trạng này.
Lý do để Đan Mạch rớt hạng là vì năm rồi Liên Hiệp Quốc có thêm vào một chỉ số về độ hài lòng của người nhập cư. Về khoản này, có lẽ bởi tính cách yêu thích sự riêng tư, ấm cúng, quen thuộc trong văn hóa hygge của người Đan Mạch lại chính là trở ngại với người nước ngoài. Felicity, cô giáo người Anh sống ở Đan Mạch bốn năm nay, cho rằng cô cảm thấy có chút buồn khi nghe thấy người bạn Đan Mạch của cô nói rằng: “Tôi có đủ bạn rồi, không cần thêm bạn mới”.
Nhưng hôm rồi tôi đi đạp xe trong rừng và lạc đường về, may mắn gặp được một cụ bà vừa đi tập thể dục về. Bà tiễn tôi một đoạn, tặng tôi một quả chuối và thanh sôcôla, rồi bảo bà phải về để ăn món xúp yến mạch và nghe nhạc jazz. Đó là khi tôi biết rằng bà sắp thực hành ý niệm hygge của riêng mình. Và bà trông rõ ràng là hạnh phúc.



Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Trăng 17

Ngồi trên bệ cửa sổ, thấy trăng gần đến nỗi tưởng với tay là chạm chị Hằng:


Nhìn liêu trai quá :) hi hi

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Tuệ Sỹ

Giữa thiên đường rong chơi lêu lổng
Cõi vĩnh hằng mờ nhạt rong rêu
Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng
Đốt mặt trời vô hạn cô liêu
(Thơ Tuệ Sỹ)
MÌnh ngưỡng mộ ông này quá, cả trí tuệ lẫn hình dong, hi hi :)


Và ông Bùi Giáng có thơ cho TS:

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng ?
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn
(Bùi Giáng)

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Animal Farm


Copy bên nhà anh Ngốc Xịt, hay chịu không nổi luôn: 

Gà trống nhảy lên đống rơm :
- Nhà có gà mái kh...ô...ô...ô...ng.?
Gà mái :
- Có...có...có ...!
Chó kêu : 
- Đâu ... đâu ... đâu.?
Gà trống nhảy lên lưng gà mái 
Mèo nhìn thấy : 
- Eooo ...!
Lũ gà con nhìn thấy :
- Khiếp ... khiếp... khiếp.!
Heo thò mõm ra : 
- Địt ... địt ... địt ...!
Xong việc, gà trống nhảy xuống, gà mái vừa chạy vừa lầu bầu :
- Vừa đau vừa rát ... vừa đau vừa rát.!
Gà trống lại nhảy lên đống rơm : 
- Đời chỉ có thế mà th ...ô ...ô ...ô ...i.!





:))

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

Điều kỳ diệu


Đang chuẩn bị nấu trưa thì nghe giọng MC của 1 đám cưới nghe rất gần, mình thắc mắc:
-         Đám cưới ai vậy ta?
Chị mình nói:
-          Sự kiện của làng mình đó.
Rồi chị kể, mình ngớ ra, lật đật mặc vội bộ đồ lịch sự nhắm hướng nhạc xập xình mà chạy tới.
Cũng cổng hoa, cũng sân khấu hôn trường, mình nhìn lên: thay vì tay trong tay thì cô dâu đặt một tay lên vai chú rể, tay kia vịn tay cầm của chiếc xe lăn.
Mình biết cậu bé ấy từ lúc lọt lòng, Ba, Mẹ lam lũ với ruộng vườn, đẻ ra đàn con, và cậu là đứa con không may mắn, bị liệt, văn vẹo từ nhỏ, không thể tự phục vụ cho chính bản thân mình, dù là một nhu cầu bình thường nhất của một con người. Nhưng đời có câu: “có tật, có tài”, cậu í cũng học, cũng biết chữ, và đặc biệt biết làm thơ, thơ cũng hay, và rồi cậu nổi tiếng, một vài tờ báo nhắc đến, vài lần lên sóng truyền hình địa phương.
Cậu tự nuôi sống mình bằng những việc làm phù hợp, mình thường gặp và rất khâm phục cách mưu sinh của cậu. Một ngày cậu ấy quăng lên Fb dòng stt: “Muốn có một người để làm bạn”, và điều kỳ diệu đã đến, cô gái ấy cũng đồng cảnh ngộ, 6 tháng sau họ thành chồng vợ. Nhìn gương mặt rạng ngời của họ trên sân khấu, mình thầm mong cặp đôi sẽ được hạnh phúc.
Lần đầu tiên dự đám cưới mà tự nguyện đến, không cần tấm thiệp mời, mình cảm thấy thiệt vui cùng bà con cả làng đến chúc phúc. Đám cưới mà thấy nhiều nước mắt của họ hàng vì quá xúc động.
Ngồi bên mấy người hàng xóm, mình lại phải ngạc nhiên thêm với một kỳ tích của cậu: “Sáu tháng nữa cậu ấy sẽ làm cha”! Mong cho đứa trẻ sinh ra sẽ may mắn hơn Ba, Mẹ nó, và sẽ luôn là trái ngọt cho cuộc sống đã quá nhiều chua xót của họ.
:)

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Tu và Yêu

Một stt của Cha:
TÌNH YÊU NAM NỮ CỦA TU SĨ!
Một anh nhà tu, vì hay phải làm việc chung với một chị nữ tu, nên hai năm nay nảy sinh tình cảm với chị. Anh hoảng hốt, nóng ruột, đau đớn vì tình cảm này. Anh rất muốn thoát ra, nhưng càng giãy giụa, càng như yêu đương đắm đuối tha thiết hơn. Anh càng muốn trốn thoát, thì càng muốn bộc lộ tình cảm cho chị ấy. Anh mệt mỏi và căng thẳng lắm rồi!
Tình yêu là ân phúc và thánh thiện chứ sao là tội lỗi được! "Sa vào" tình yêu, là cơ hội để anh có thể sống mạnh mẽ hơn, sâu dầy hơn, phong phú hơn, gấp nhiều lần cuộc sống êm ả đều đặn quen thuộc. Mỗi ngày không trôi qua cách bình thường nữa. Nhớ thương, giằng co, đau đớn, sợ hãi với chính mình... Nguyên điều đó đã là ân phúc lớn. Sống cho sâu cho dầy cho mãnh liệt, thường phải do tình yêu "mạc khải" và dẫn dắt. Nếu anh chỉ muốn sống êm đềm dễ dãi, sao anh có thể xứng đáng để làm người, và để tiến sâu vào đời tu?
Qua tình yêu, anh lại được "mạc khải" rõ hơn con người thật của anh. Tất cả tình yêu đều đi kèm với khuynh hướng chiếm hữu, dù tình yêu thì không có nghĩa là chiếm hữu. Chẳng khi nào khuynh hướng chiếm hữu bộc lộ rõ ràng và mãnh liệt cho bằng khi yêu. Tình yêu thì không hề xấu. Nhưng khuynh hướng chiếm hữu, nhất là trong đời tu, là điều anh đã thề nguyền từ bỏ và dâng hiến. Đây có thể là nỗi đau đớn sâu xa suốt cuộc đời! Trở nên con người yêu thương mà tự do, rất yêu thương mà rất tự do, là điều mọi người, nhất là nhà tu phải học và tôi luyện, thường trong máu xương nước mắt.
Nếu anh nghe được rằng không thể sống thiếu người mình yêu, thì cương quyết bứt phá ra, chiến đấu để có được nhau suốt cả cuộc đời. Nếu anh muốn mọi sự đều sớm êm ả dễ dàng, một tuần một tháng mà quên được, thì anh nên đi chết đi, vì chẳng đáng làm người và chẳng đáng đi tu. Còn nếu thật sự thánh thiện khôn ngoan, anh dám để tình yêu bóc, tước, lột vỏ đời mình, lột vỏ hồn mình, và thăng hoa lên, thì kinh nghiệm này có thể đưa anh tới những vùng đất lạ của tâm linh, nơi của Ánh Sáng yêu thương và tự do sâu thẳm.
Bình thường thì cầu nguyện có vẻ lơ mơ thôi. Được dính vào chuyện này, thì phải cầu nguyện tha thiết gấp năm lần. Lời cầu nguyện bây giờ rất thật, rất đau, và cũng sẽ rất hạnh phúc nhiệm mầu. Đời tâm linh, thường bắt đầu từ đó. Tuy đời tâm linh vừa rất giống vừa rất khác xa với tình yêu nam nữ bình thường.
Một mối tình xảy ra, có thể chính là cơ hội đầy ân huệ mà Chúa đang ra tay dẫn dắt.
:)

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

BẠN

AI LÀ BẠN TÔI – LÀ ANH EM TÔI ?!

Người chủ tiệm treo tấm bảng "Bán Chó Con" lên cánh cửa. Những tấm biển kiểu như vậy luôn hấp dẫn các khách hàng nhỏ tuổi.
Ngay sau đó,thì có một cậu bé xuất hiện.
"Chú bán mấy con chó này với giá bao nhiêu vậy ?" cậu bé hỏi.

Ông chủ trả lời:
"Khoảng từ $30 cho tới $50."
Cậu bé móc trong túi ra một ít tiền lẻ.
“Cháu có $2.37,"
cậu nói, "cháu có thể coi chúng được không ?"
Người chủ tiệm mỉm cười và huýt sáo.
Từ trong cũi chạy ra chó mẹ Lady cùng với năm cái nắm lông be bé xinh xinh chạy theo.
Một con chó con chạy cà nhắc lết theo sau.
Ngay lập tức, cậu bé chỉ vào con chó nhỏ bị liệt chân đó
“Con chó con này bị làm sao vậy ?"
Người chủ giải thích rằng bác sĩ thú y đã coi và nói rằng con chó con bị tật ở phần hông.
Nó sẽ bị đi khập khiễng mãi mãi. Nó sẽ bị què mãi mãi.
Đứa bé rất xúc động.
“Cháu muốn mua con chó con đó !"
Người chủ nói rằng:
"Chắc là cháu không muốn mua con chó đó đâu, còn nếu cháu muốn nó thì chú sẽ cho cháu luôn."
Cậu nhìn thẳng vào mắt của người chủ, và nói rằng:
"Cháu không muốn chú cho cháu con chó con đó. Nó xứng đáng như bất kỳ con nào khác và cháu sẽ trả cho chú đủ giá tiền cho nó. Thật ra, cháu sẽ đưa cho chú $2.37 bây giờ và 50cent mỗi tháng cho đến khi cháu trả đủ số tiền."
Người chủ phản đối:
"Cháu đâu có muốn mua con chó đó. Nó sẽ chẳng bao giờ có thể chạy được và chơi với cháu như những con chó con khác !"
Nghe vậy, cậu bé cúi xuống và kéo ống quần lên để lộ ra một chân bị vặn vẹo, teo quắt và phải có hệ thống thanh giằng chống đỡ.
Cậu nhìn lên người chủ và nói rất khẽ:
"Vâng, cháu cũng không chạy được, và con chó nhỏ đó cần một người có thể hiểu được nó !"

Bạn thân mến !
Cũng giống như Cậu Bé và Chú Chó kia; Tình Bạn là THẤU HIỂU và YÊU THƯƠNG, cho dù có TÀN TẬT VÀ YẾU ĐUỐI ĐẾN THẾ NÀO !
Bạn sẽ làm gì đây ?
Năm mới đến rồi, mỗi người trong chúng ta hãy cố gắng từ bỏ cái phần "dị tật" trong tâm hồn, cố gắng sống tốt hơn...
Bạn hãy nhớ rằng:
Cho dù bạn có Khuyết điểm,
Yếu đuối đến đâu thì HÃY LUÔN MỞ RỘNG VÒNG TAY với Người khác; và sẽ luôn có Người khác đang đón chờ Bạn !
“VIỆC GÌ ANH EM LÀM CHO NGƯỜI KHÁC LÀ ANH EM ĐÃ LÀM CHO CHÍNH TA !”
Nguồn : Internet.