Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

THÁNG 8

 THÁNG TÁM

Trời thoắt mưa thoắt nắng
Ngày lúc tạnh lúc giông
Đường khi là dòng sông
Vỉa hè khi ngợp lá


Có trưa nồng hối hả
Có sương sớm hiền hòa
Gió xôn xao hương lạ
Bay trên phố tình ca
Mùa tháng tám vàng thu
Radio ngân khẽ
Buồn vui câu chuyện kể
Lời thì thầm bạn tôi


Có nhè nhẹ xa xôi
Trong tình cờ gặp gỡ
Chiều nay về qua ngõ

Còn thấy nụ cười xưa?
(Winlinh)

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Nhật

 

Những luật ngầm ở Nhật Bản.

1. Sau khi ăn xong. Không dùng tăm ở nơi công cộng. Nếu dùng thì phải kín đáo hay vào nhà vệ sinh mà dùng
2. Vào nhà hàng không dùng khăn nóng lau mặt, chỉ để lau tay thôi
3. Người cùng giới đi ngoài đường không choàng vai bá cổ nhau
4. Không dùng ngón tay chỉ vào người khác
5. Không rung đùi
6. Dùng chén, đũa đúng
7. Không hỏi tuổi người đang nói chuyện với mình
8. Ngoài người yêu, vợ, chồng, con ra, không bao giờ động chạm vào người đang nói chuyện với mình kể cả lúc thân mật cũng như lúc giận dữ/cãi cọ
9. Không nhổ nước bọt, ngoáy mũi ngoài chổ công cộng
10. Không nói chuyện ồn ào làm phiền hàng xóm
11. Lên tàu điện giữ trật tự, không nói chuyện ồn ào làm phiền người xung quanh
12. Lên tàu điện, lúc nghe nhạc không để âm thanh quá lớn
13. Không ăn uống trên tàu điện
14. Không vắt chân khi ngồi trong tàu điện
15. Không chen lấn, xô đẩy
16. Xếp hàng, không chen ngang
17. Không vứt rác bừa bãi, rác mình thải ra có thể mang về về nhà bỏ khi cần
18. Không để ý soi mói người xung quanh/hàng xóm
19. Không trộm cắp
20. Không cãi, đánh lộn
21. Không gây ồn làm phiền người khác khi ở nhà
22. Không liếc ngang, liếc dọc khi đối thoại
23. Khi làm việc, không sờ vào những thứ chưa biết
24. Đi vào nhà Nhật, hay ăn kiểu Nhật không mang giầy lên sàn, phải cởi giày để ở dưới đất.
25. Đi lên sàn có chiếu tatami, mang vớ đừng cỡi
26. Không gắp thức ăn cho người khác .
27. Không hỏi lương của người khác.
28. Không hỏi cân nặng cũng như bình luận về hình thể người đang nói chuyện với mình. Ở VN đối với người thân quen việc khen tròn trịa có thể là điều tốt. Còn tại Nhật nói...ốm OK, nói mập....kỵ lắm ah' !!
29. Không chở nhau bằng xe đạp. Xe đạp chỉ dành cho 1 người. Cảnh sát sẽ hỏi thăm nếu thấy mình đi xe đạp mà chở thêm 1 người nữa.
30. Không lái xe lúc uống bia rượu. Sẽ bị phạt rất nặng nếu bị phát hiện
31. Không vừa đi vừa hút thuốc, không bỏ tàn thuốc bừa bãi
32. Không khoanh tay trước mặt, không đút tay 2 tay vào túi quần khi nói chuyện
33. Không cho số điện thoại, địa chỉ của người này cho người khác khi chưa có sự đồng ý.
34. Không nói chuyện điện thoại tại chỗ đông người (bữa ăn, buổi nói chuyện...).
(LVQ sưu tầm)

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

 


Minh Trị Thiên Hoàng và công cuộc thúc đẩy Tây du, canh tân đất nước

Trong nhiều lần qua lại nước Nhật, mình đều thấy bất ngờ về những thành tựu mà người Nhật làm được. Và cũng dễ dàng nhận thấy sự tôn kính mà bè bạn của mình ở Nhật dành cho Minh Trị Thiên Hoàng, vị minh quân xây nền móng canh tân Nhật Bản để họ cạnh tranh ngang ngửa với phương Tây.
Minh Trị sinh năm 1852 là một vì vua xuất thân là con trai thứ. Mà không chỉ là con trai thứ bình thường, ông là con trai thứ của Thiên Hoàng Hiếu Minh với bà Nakayyama Yoshiko, một phi tần vốn là con gái lãnh chúa. Ông sinh ra sau vua Tự Đức của VN 5 năm và cai trị cùng thời với vua Tự Đức. Ông là con trai duy nhất sống sót trong số 6 người con của cha ông. 5 anh em còn lại đó đều chết trẻ.
Gia đình Hoàng gia ủy thác việc nuôi ông cho gia đình Nakarama ở Kyoto và sau đó Anh Chiếu Hoàng Thái Hậu nuôi ông. Hồi nhỏ ông là người nhút nhát, sợ sệt và yếu đuối.
Nhưng tới 15 tuổi, năm 1867, một biến cố lớn tới với ông khi Thiên Hoàng Hiếu Minh băng hà rất sớm ( 35 tuổi). Thế là Minh Trị lên ngôi.
Vào thời điểm ông lên ngôi, Nhật Bản căn bản là một nước nông nghiệp lạc hậu, hàng trăm năm qua đã bế quan tỏa cảng. Ngoài nước thì Nhật bị Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Nga… buộc phải ký một loạt hiệp ước bất bình đẳng. Trong nước thì do Mạc phủ Tokugawa quản trị, vua chỉ là bù nhìn.
Việc Minh Trị lên ngôi là cơ hội khiến cho các Damyo và đồng minh dẫn 1000 samurai về Tokyo ủng hộ ông và lật đổ chế độ Mạc phủ Tokugawa. Tháng 1/1868, Thiên hoàng Minh Trị chính thức lấy lại quyền điều hành đất nước từ tay Mạc phủ, chính thức chấm dứt 265 năm Mạc phủ.
Có lẽ do dòng máu cao quý và những biến cố rất lớn của đời người đã khiến chú bé nhút nhát như ông hoàn toàn thay đổi. Khi lên ngôi cùng năm 1868, Minh Trị đã đưa ra 5 lời tuyên thệ trọng đại trước toàn dân:
1/ Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định;
2/ Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước;
3/ Văn võ một đường, từ công khanh đến thứ dân, đều được toại chí, khiến cho lòng người hăm hở sốt sắng;
4/ Thảy bỏ hết những thói hư mối tệ chất chứa lâu đời, từ đây gắng gổ duy tân tự cường, hiệp theo công đạo của Trời Đất;
5/ Cầu trí thức ở thế giới, làm cho nước nhà trở lên mạnh lớn vẻ vang.
Một vị vua 16 tuổi đầu dám tuyên thệ như vậy, có khi chỉ một là nói miệng cho vui, hai là bị giật dây. Nhưng Minh Trị nói là làm.
Việc đầu tiên là ông thiên đô từ Kyoto về Tokyo để thuận lợi cho phát triển đất nước.
Cho dù vẫn là một vị quân phiệt, song ngoài các chính sách truyền thống, ông bắt đầu áp dụng các canh tân từ những kiến thức về phương Tây mà ông học hỏi được. Năm 1871, Minh Trị đã có một quyết định chấn động. Đó là cử một phái đoàn lớn đi vòng quanh thế giới trong 22 tháng. Họ qua các nước phương Tây mong đàm phán xóa bỏ các Hiệp ước bất bình đẳng cũ và xem có học hỏi được gì không.
Trong 22 tháng công du, sứ bộ Nhật đã dành 10 tháng ở Mỹ, còn lại tới các nước Tây Âu như Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Ý…
Từ đó họ rút ra kết luận rằng Phương Tây nhất định không nhượng bộ Nhật để đàm phán lại. Con đường duy nhất mà Nhật Bản phải đi là vươn lên, tự lực, tự cường ngang bằng với các nước phương Tây, đến lúc đó mới có thể xóa bỏ các hiệp ước đó. Và nên cải cách toàn diện từ chính trị, thể chế, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Từ đó dẫn tới hàng loạt các cải cách quan trọng của Minh Trị Nhật Hoàng nhằm canh tân nước Nhật.
Và họ quyết tâm làm nhanh làm mạnh, là vì khi đó Nhật chỉ thua phương Tây cỡ 50 năm. Nếu làm nhanh còn kịp đuổi theo, chứ nếu là thua ở khoảng cách vài trăm năm thì đuổi theo vô cùng khó khăn. Kết quả họ đã làm như sau:
+ Năm 1885, Thiên hoàng bãi bỏ chế độ Thái chính quan cũ, xây dựng chế độ Nội các theo hình mẫu phương Tây. Đứng đầu là Nội cácTổng lý đại thần trực thuộc Thiên hoàng ( nay gọi là Thủ tướng Nhật).
+ Năm 1889, cho ra đời Đại Nhật Bản Đế Quốc Hiến pháp, vốn dựa trên hiến pháp của Đức làm khuôn mẫu
+Năm 1872 cho thi hành chế độ giáo dục cưỡng bức với việc tạo ra nhiều hội truyền bá kiến thức học thuật, dịch thuật, văn hóa, khoa học, mở mang báo chí, thư viện công cho quốc dân.
+ Triều đình cho du sinh Tây du để học hỏi về hệ thống chính trị, quân sự, kinh tế. Trẻ em từ 6-14 tuổi đều bắt buộc phải học tập và được triều đình chi trả 100% các khoản phí giáo dục với các môn học được áp dụng theo hình mẫu phương Tây.
+ Bãi bỏ hệ thống lãnh địa của các địa chủ, tướng lãnh mà lập thành các huyện để quản lý trên toàn quốc.
+ Ban bố quyền tự do buôn bán và đi lại, thiết lập chế độ tiền tệ thống nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển chủ nghĩa tư bản tới tận cùng các vùng nông thôn
+ Quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây. Quân đội Nhật Bản áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự, tăng cường mua và sản xuất vũ khí đạn dược. Mời giảng viên Âu Mỹ về giảng dạy và đưa một số sinh viên quân sự đi học tập tại phương Tây .
Thiên Hoàng Minh Trị được coi là đấng minh quân Nhật Bản. Minh Trị Duy Tân là cuộc cải cách thành công đưa nước Nhật thoát khỏi chế độ phong kiến và sự lệ thuộc vào các nước phương Tây, tiến lên chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Nhật trở thành Đại đế quốc duy nhất tại Á châu đủ sức cạnh tranh với Nga, Anh, Hoa Kỳ, Đức. Họ đã thắng Trung Quốc trong cuộc chiến 1894, thắng Nga trong cuộc chiến 1904 và tất cả các hiệp ước bất bình đẳng trước đây với các nước phương Tây đã bị xóa bỏ.
Thiên Hoàng Minh Trị xứng đáng là một vị quân vương mà nhiều quốc gia mơ ước.
(Nguyễn Thị Bích Hậu)