Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Người Sài gòn ngày xưa và nay...


Tôi không có ý đả kích ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao?
Nhưng sự thật là người Sài Gòn tiềm ẩn sự nho nhã có truyền thống từ rất lâu...
Trong ký ức tuổi thơ, tôi thấy đàn ông ra đường mặc áo sơ mi bỏ vào quần, phụ mặc áo dài.
Phụ nữ ngồi phía sau xe gắn máy chỉ ngồi một bên, hai đùi khép kín.
Trong công sở họ nói chuyện với nhau thường mở đầu:
"Thưa ông", "Thưa bà".
Một lần ba tôi lái chiếc Honda SS 72 mới mua chở má và anh em tôi đi chợ Thủ Đức ăn chiều.
Khi vừa ra khỏi nội thành, một toán Cảnh sát đứng ra chặn đường. Họ nghiêm khắc nói:
-Thưa ông, thưa bà. Mong ông bà vui lòng không đi vào vùng mất an ninh.
Mẹ tôi trả lời:
-Thưa ông Cảnh sát. Chúng tôi chỉ muốn đưa bọn trẻ đi ăn chiều ở ngoại thành và xong ngắm cảnh rồi về.
Ông Cảnh sát nói:
-Vậy thì chúc ông bà và các cháu ăn ngon miệng. Nhớ, trở về nội thành trước khi trời sụp tối.
Nếu ông bà về trễ, vì trách nhiệm, buộc lòng tôi phải thực hiện những biện pháp nghiêm khắc. Mong ông bà hiểu cho.
Khi đi khỏi được một đoạn, má tôi dạy:
-Trước khi xưng hô, hãy chú ý đến ngón tay đeo nhẫn.
Nếu đàn ông có ngón tay đeo nhẫn thì gọi là ông, đàn bà gọi là bà.
Nếu không có ngón tay đeo nhẫn thì gọi là anh, là cô...!
Trẻ con thì gọi là các em...
Ngày trước người Sài Gòn xếp hàng ở tất cả những nơi công cộng như: Rạp chiếu bóng, rạp hát, nhà hàng có bán vé, Đại sứ quán các nước (chỉ trừ các bến xe).
Chỉ có trẻ con mới đánh giày. Và việc đánh giày được mặc định là không thu tiền công mà chỉ có tiền "boa". Trẻ đánh giày thường tập trung ở cửa các quán ăn, nhà hàng chờ thực khách. Thực khách ngồi vào bàn, trẻ đánh giầy kê chân thực khách lên thùng đồ nghề rồi cẩn thận chăm sóc đôi giày.
Xong việc, trẻ ngồi chờ. Khách ăn xong, tự cho tiền đánh giày. Khách không cho, trẻ đánh giày cũng không đòi. Hiếm khi khách không cho tiền. Lúc đó, giá 1 tô hủ tiếu Nam Vang là 20 đồng. Tiền "boa" đánh giày từ 1 đến 5 đồng.
Một lần, tôi được ba đưa đến Câu lạc bộ Làng Báo Chí (Thủ Đức) ăn cơm tự chọn (giống như buffet). Ba tôi căn dặn:
- Mỗi lần ăn chỉ lấy 3 muỗng cơm. Thức ăn thì chỉ lấy 3 món. Mỗi món không quá 3 miếng. Ăn hết, lấy nữa, chứ không được lấy nhiều, rồi ăn thừa, bỏ mắc tội. Nhìn xung quanh, tôi thấy ai cũng làm như vậy.
Bây giờ, người Sài Gòn cũ vẫn như thế, không thay đổi. Người Miền Nam cũ vẫn như thế, không thay đổi mấy.
Sài gòn chiện nhỏ...
Sài Gòn là một mảnh đất lạ kỳ. Nó kỳ lạ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó.
Những ai đã từng sống ở Sài Gòn chắc cũng từng quen thuộc với câu cửa miệng "chiện nhỏ" (phát âm đúng theo dzọng Sài Gòn là "chiện" chứ ko phải là "chuyện")
Một showroom sang trọng của một hãng xe hơi nổi tiếng mà giá của một chiếc xe nằm ngoài khả năng đếm của nhiều người, vào một buổi trưa trời nắng gắt bên ngoài nhưng bên trong vách kính thì mát lạnh. Anh nhân viên bán hàng mặc đồ vest với cà vạt và giày da bóng lộn đang ngồi xem tivi.
Có một cụ ông đi bộ ngoài đường mở cửa vào showroom. Trông ông có vẻ không được khá giả lắm, tuy cũng vận áo sơ mi ngắn tay cũ và một chiếc quần khaki ngả màu. Ông cụ bước vào, đảo mắt nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày và bắt đầu xem xét. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo cụ, anh đi nhẹ nhàng và tỏ vẻ lịch sự. Anh gọi cụ là ngoại. Ngoại ơi, ngoại à. Mỗi lần cụ dừng lại ở một chi tiết anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, anh mở cửa trước, cửa sau, mở nắp ca-pô để cho cụ xem. Khi cụ tỏ ý thắc mắc thì anh lại nhẹ nhàng giải thích với cụ, cụ già cứ gật gù lắng nghe nhưng có vẻ không hiểu mấy.
Đi chán cũng mỏi, anh bán hàng mời cụ già lại chỗ sofa có cái bàn kiếng sạch bóng và mời cụ dùng café, loại café đá pha sẵn thôi. Mãi sau cụ già nói với anh: qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, lại có máy lạnh nên qua vô xem chơi, chứ xe này cả dòng họ qua gom tiền lại cũng mua không nổi. Anh nhân viên vẫn rất lịch sự: dạ con biết, sẵn ngoại vô chơi thì con giới thiệu luôn để ngoại coi xe, đâu phải ai vô coi xe cũng mua đâu ngoại. Anh cười, coi bộ hiền khô.
Sài Gòn trời nắng gắt, đi ngoài đường hay thấy mấy thùng ghi “trà đá miễn phí”, ai muốn uống thì uống, dân xe ôm, xích lô là khoái dữ lắm, ghé uống ừng ực rồi cứ vậy đi, không cần phải cảm ơn...
Một lần ông xe ôm chở tôi xin phép tấp vô lê uống ly trà đá, tôi mới biết là có trà đá miễn phí. Đó là thùng trà đá miễn phí tôi thấy đầu tiên, nó ở gần bệnh viện 115, mặc dù nó không có bảng ghi “miễn phí”, chỉ thấy một thùng trà đá để ngoài đường, ai qua lại nếu biết cứ tự động rót mà uống. Uống hết có người ra châm trà, châm nước, bỏ đá vô.
Tôi hỏi ông xe ôm, trà đá miễn phí kiểu vầy có nhiều không chú. Ổng nói cũng nhiều, tùy mình biết chỗ mà ghé uống, trời nắng vầy có ly trà đã cũng đã lắm chú.Tui không phải nghèo đến mức cần phải uống trà đá miễn phí, tui uống bị thấy khoái vậy thôi...
"Bây giờ cầm tờ báo lên là rầu, hết muốn coi báo”- Câu này của một đại gia Sài Gòn. Đại gia này có lẽ đã về hưu, con cái đã thành đạt lấy vợ lấy chồng ở riêng hết. Đại gia này thường hay ngồi ở quán café cóc của bà già ở mẩu chuyện số 3. Sáng nào cũng có mặt, dù nắng hay mưa.
Sáng nào đại gia cũng mua báo, chắc chắn là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Công An, Pháp Luật… thỉnh thoảng mua tờ tạp chí hoặc nguyệt san. Đại gia chỉ mua báo của hai người, một con bé và một thằng bé quen, bữa đứa này bữa sau đứa kia. Hai đứa trẻ bán báo không bao giờ cạnh tranh nhau quyết liệt hoặc tỏ ra giành mối, chúng vui vẻ cùng phục vụ một vị khách hàng. Đại gia mua rất nhiều nhật báo nhưng lúc ra về chỉ đi tay không.
Sau này, khi có dịp ngồi ở quán café cóc đó suốt một buổi sáng tôi mới biết. Nếu hôm đó đại gia mua báo của thằng bé, sau khi đọc xong ông sẽ gấp tờ báo lại như cũ và đem cho con bé đi bán tiếp và ngược lại, nếu mua của con bé thì ông sẽ đem cho thằng bé để nó đi bán cho người khác, tiền thì ông vẫn trả đủ.
"Cho nhiêu cũng được” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết, chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần quá khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: chú (cô) cho nhiêu cũng được. Nói vậy chứ ai đành lòng cho ít, ví như đúng ra bảy ngàn thì khách sẽ đưa mười ngàn cho chẵn tiền.
Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn người bán cũng nói: cho nhiêu cũng được. ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp hai, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… khi cô đòi trả tiền thì họ không chịu lấy hoặc nói: cô giáo cho nhiêu cũng được...
(Đinh Trực sưu tầm tổng hợp)
share từ FB cô Bảo Nhi Lê


2 nhận xét: