Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

tunrua

 Nó ....rảnh, hỏi AI: tunrua là ai?

AI cho kết quả: Tunrua là một blogger, influencer nổi tiếng trong lĩnh vực ẩm thực và phong cách sống. Nội dung mà Tunrua chia sẻ thường xoay quanh các món ăn, công thức nấu ăn cũng như những trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Ngoài ra, Tunrua cũng có thể chia sẻ về các vấn đề khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày, phong cách cá nhân, và các mẹo vặt hữu ích.

Ha ha ha.😇😇😇

Còn làm thơ nữa chứ:

--- thơ về tunrua

**Chú Rùa Chậm Rãi**

Chú rùa chậm chạp, bước đi thật hay,  

Trên cỏ xanh mướt, dưới ánh nắng mai. 

Giỏ cuống cuồng không, cuộc sống thong thả, 

Mỗi bước chân qua, nhẹ nhàng và khẽ khàng.

Chú mang trên lưng, chiếc mai cưng xinh, 

Nơi chứa bao kỷ niệm, như một chiếc ký ức. 

Dẫu chạy chậm hơn, nhưng lòng luôn vững, 

Mỗi đích đến gần, chỉ cần kiên nhẫn.

 Khó khăn chờ đón, chớ lo lắng nhiều, 

Bởi cuộc sống này, cũng cần chút yêu. 

Như chú rùa ấy, dẫu chậm vẫn đi, 

Niềm vui cuộc sống, đơn giản mà sâu sắc.

 ---

 Hy vọng bài thơ này mang đến cho bạn những phút giây thư giãn và thú vị!

😅😅😅😅😅




Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Chay

 Người ta đang nói về giải Nobel.

Nó tò mò, vì tác giả là một người nữ, cùng thế hệ nó.

Tìm đọc những gì liên quan đến cô ấy. Và tò mò về truyện ngắn Người ăn chay. Có lẽ có liên quan đến nó một chút, hi hi. Đặt mua.

Bắt đầu bị cuốn vào câu chuyện, lối viết không thông thường như nhiều tác giả nó đã đọc.

Phảng phất một chút của Murakami Haruki.

Có nhiều chi tiết trong truyện nó thích, giống cuộc sống của nó, sở thích của nó. 

Sự tự do! "Sự tự do tối thiểu của một con người, tự do với chính bản thân mình"!

Những truyện tiếp theo,...

..."ai sẽ can đảm sống một cuộc đời thật sự của mình"????

😏😏








Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Đinh Trầm Ca

 Lang thang và gặp bài này, vẫn thường đi qua quán cà phê ấy, vẫn thường nghe Chú đọc thơ ông ấy, lưu lại đây, như một cách "gặp" người quen. hi hi

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Đinh Trầm Ca có những chuyển động khá ly kỳ. Bởi lẽ, từ thưở đôi mươi ông đã tuyên bố suốt đời không lấy vợ, để thoải mái phiêu lãng giang hồ. Thế nhưng, sau tuổi bốn mươi, ông lại lập gia đình với một thôn nữ miền Tây Nam bộ sinh sau mình đến hai thập niên.

Nhạc sĩ – nhà thơ Đinh Trầm Ca.

Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca tên thật là Mạc Phụ, sinh năm 1941 tại Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. Trai trẻ đã được vinh danh tài thơ, Mạc Phụ có những vần điệu phóng khoáng “Buổi ta vác cây đàn vào gió cát/ Hồn không theo nên thân xác liêu xiêu/ Ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt/ Nghe quê người mưa rớt hột cô liêu”. Tuy nhiên, sau đó Mạc Phụ đã lấy họ của mẹ ruột để đổi bút danh thành Đinh Trầm Ca.

Không nuôi mộng đèn sách, Đinh Trầm Ca thích được ngụp lặn trong đời thường, và ông từng trải qua rất nhiều nghề để mưu sinh. Sau một giai đoạn ngắn tham gia dạy học, ông đi phụ hồ, rồi đi khuân vác, rồi đi đốt than… Suốt ngày lao động chân tay, nhưng đêm về ông lại cặm cụi viết lách. Từng theo học vài buổi nhạc lý với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (tác giả ca khúc “Nắng chiều” lừng lẫy) nhưng Đinh Trầm Ca chỉ hiển lộ khả năng sáng tác ca khúc nhờ một “chuyện tình khó quên”.

Năm 1964, một lần trên đường về thăm mẹ, sau chuyến rong ruổi gió bụi, Đinh Trầm Ca ghé ngang nhà cô bạn gái thời trung học. Vẫn ngõ nhỏ rợp mát, vẫn hàng dâm bụt hoa đỏ, nhưng người xưa đã lấy chồng. Ngượng ngùng nhìn nhau, vài câu hỏi han ngắn ngủi, Đinh Trầm Ca từ biệt cố nhân mà nghe xao xác.

Thiếu nữ có đôi mắt lấp lánh từng ẩn hiện trong thơ ông, đã thành một thiếu phụ ngập ngừng câu hát đưa nôi. Gom góp chút vốn liếng ký âm ít ỏi và nỗi nghẹn ngào dĩ vãng chưa nguôi, Đinh Trầm Ca viết ca khúc “Ru con tình cũ” thổn thức: “Thôi anh ơi, anh đừng hờn trách nữa/ Đời em như rong rêu tội tình/ Xin gục đầu ghi dấu ăn năn/ Thôi đừng buồn em nữa nghe anh”.

Như niềm riêng cần chia sẻ, Đinh Trầm Ca tự ôm đàn biểu diễn ca khúc “Ru con tình cũ” từ đầu làng đến cuối xóm. Người nọ nghe rồi rỉ tai cho người kia hát lại, cứ thế ca khúc “Ru con tình cũ” lưu truyền rộng rãi. Thật tình cờ, ca khúc “Ru con tình cũ” đến tay ca sĩ Lệ Thu. Năm 1967, ca sĩ Lệ Thu ghi âm và giới thiệu trên các sân khấu Sài Gòn, lập tức ca khúc “Ru con tình cũ” nhanh chóng lan tỏa vượt khỏi khả năng tiên liệu của chính tác giả.

Bản in lần đầu tiên của ca khúc “Ru con tình cũ”.

Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca nhớ lại: “Bản quyền ghi âm đĩa hát nhiều tiền lắm. Tính ra là hơn 10 cây vàng. Tôi dạo đó túng bấn, nhận được khoản thù lao lớn, giống như buồn ngủ gặp chiếu manh. Có đà, tôi viết luôn hàng chục ca khúc nữa”.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca chọn kiểu sống rày đây mai đó khắp miền Tây Nam Bộ lẫn miền Đông Nam Bộ. Vừa nghe tin Đinh Trầm Ca ở Thốt Nốt đã thấy Đinh Trầm Ca ở Đồng Xoài. Đinh Trầm Ca vẫn lao động chân tay nặng nhọc, để tâm hồn bay bổng nhẹ nhàng với đất đỏ Lộc Ninh, với sương sớm Cổ Chiên, với mây chiều Thất Sơn.

Thỉnh thoảng, nhớ bạn bè, Đinh Trầm Ca phóng xe máy về TP.HCM uống một ly rượu vỉa hè, rồi tiếp tục chu du dặm dài mưa nắng. Và ông lại viết những khúc ca thân phận lầm lũi như “Nỗi buồn chim sáo”“Vầng trăng đơn chiếc”, “Điệu hò phu thê”, “Bên cầu nhớ người” hoặc “Về trên lá cỏ ngậm ngùi”.

Thế nhưng, có một người phụ nữ tên là Mã Thị Thu Giang đã khiến nhạc sĩ Đinh Trầm Ca muốn dừng chân hưởng thụ hạnh phúc lứa đôi. Họ gặp nhau khi Đinh Trầm Ca bôn ba đến Sóc Trăng. Chuyện tình khó quên của họ đánh dấu bằng một đám cưới nho nhỏ và ấm áp trên kênh rạch miệt vườn. Rồi mái ấm của họ được bền chặt hơn với đứa con trai Mạc Quảng Thịnh.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca đưa vợ con lên TP.HCM lập nghiệp bằng nghề sản xuất âm nhạc. Ông cộng tác biên tập cho hãng băng đĩa Sài Gòn Audio, và là một trong những người tiên phong thực hiện những video ca nhạc để bán ra thị trường. Thậm chí, ông còn nảy nở ý tưởng phải có những sản phẩm hướng đến kiều bào đang tha hương đất khách.

Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca triển khai kế hoạch làm một loạt album nhạc có chủ đề “Sông quê”. Chả lẽ xúi người khác tự tình dân tộc mà nhạc sĩ Đinh Trầm Ca lại thản nhiên đứng ngoài cuộc, ông dùng kỷ niệm của mình với người vợ Mã Thị Thu Giang để sáng tác ca khúc “Sông quê” bồi hồi: “Ơi, con sông quê, bao năm đã lở, đã bồi/ Đời biển dâu nên anh cũng dạt quê người/ Chiều nay bỗng nhớ cây mù u, dòng sông in bóng em chiều thu/ Về đây mới biết bến sông không còn mái nhà ngày xưa”.

Không chỉ gửi gắm cái tên riêng Thu Giang của vợ qua câu hát “dòng sông in bóng em chiều thu”, mà nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca khác như “Chài lưới”, “Mẹ là quê hương”, “Trai tài gái sắc” hoặc “Rượu cưới ngày xuân” đều được nhạc sĩ Đinh Trầm Ca ký tên chung với hiền thê Mã Thị Thu Giang.



Sau tuổi 60, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca đưa vợ con về lại quê nhà Quảng Nam để thuận tiện chăm coi mồ mả hương khói cho hai đấng sinh thành đã giã biệt dương gian. Trên mảnh đất kế thừa của tổ tiên, vợ chồng nhạc sĩ Đinh Trầm Ca đã mở quán cà phê Thạch Trúc Viên, rồi vun đắp hôn nhân cho con trai Mạc Quảng Thịnh.

Trong gia tài của nhạc sĩ Đinh Trầm Ca, ngoài hai tập thơ còn có hơn 100 ca khúc. Dù hai ca khúc “Ru con tình cũ”và “Sông quê” rất được ưa chuộng, nhưng ca khúc ông thích nhất là “Ru tương lai buồn” lại chẳng mấy ai đoái hoài. Đó là một nghịch lý của nghệ thuật, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca không lấy gì làm băn khoăn, ông tự hát ru bản thân: “Rồi mai mình vẫn cô đơn, nằm nghe lời gió chiêu hồn, nhớ về nghìn đêm lang thang”.

Bây giờ, ở tuổi 83, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca không còn sáng tác nữa. Ông hài lòng với gia đình bình yên, với bâng khuâng “Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ, nhà em bên lở, làng anh ở bên bồi” và với xa vắng “Ba năm qua, em trở thành thiếu phụ/ Ngồi ru con, ru quên phận buồn”.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca xin một đời thôi tiếc thương nhau” lúc 20h ngày 7.9 trên Nông nghiệp Radio.

TUY HÒA

Báo Nông Nghiệp

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

CẦU

 Nó không thể tưởng tượng một ngày ngay ngõ nhà ngoại ngày xưa bây giờ lại có một nhịp cầu. Xưa về ngoại, nó không dám ra bãi sông, vì ngoại dặn:

- Không có người lớn thì đừng ra đó, hổng chừng trượt chân con té, trôi mất, ngoại tìm hổng ra đâu.

Nó chỉ biết qua rặng tre dài, xuống 1 cái dốc, rồi qua một cái bãi dâu, một bãi cát dài, là đến sông. Nó thường thấy, chiều về người ta lùa trâu, bò từ bãi sông về làng.

Cách nhà ngoại không xa về phía trên  khoảng giữa làng có một cây cầu tre, nối 2 thôn, bên kia sông có 1 cái chợ nhỏ xíu, cạnh đình làng, cạnh một gò cao (nghĩa địa làng đó nha).

Mỗi năm có một mùa lụt, cây cầu tre lại bị mục, những lúc đó, dân làng 2 bên qua lại với nhau bằng đò, đứng bên này gọi đò bên kia sông, chủ đò là một bà dân sông nước, người nhỏ nhưng rắn chắc, tay chống sào thoăn thoắt. 

Năm ngoại mất đúng ngay mùa lụt, nó còn nhớ như in, để quan tài ngoại trên ghe dân làng đẩy theo dòng nước ra đến bến đò thì dân khiêng ngoại lên đò, qua sân đình thì nghỉ đó một chút rồi qua cái gò cao ấy, và ngoại nằm đó, nằm miết cho đến bây giờ...

Cái thuở chưa có tivi, chưa có internet, tạm gọi là chưa văn minh! hi hi. Lâu lâu, mấy đoàn cải lương về, họ hát ở sân đình, dân bên này lại xuống đò qua bên kia, đó cũng là mùa trai gái hẹn hò!

Ở bên làng ấy còn có cả một đoàn cải lương, diễn viên ban ngày làm đồng, tối về đi diễn, kép chính làm rể của làng nó, nên hàng ngày nó vẫn thấy kép đi ngoài đường.

Đêm nào bên đình có hát, mặc dù cách xa, phải qua 2 làng, nó vẫn nghe lanh lảnh những câu vọng cổ, còn có cả những tối hát bộ nữa chứ, hát bộ thì thêm tiếng trống chầu, càng khuya nghe càng rõ.

Nó vẫn qua lại giữa 2 thôn bằng đò trong một thời gian dài, mỗi lần về làng và đi thắp hương cho ngoại.

Sau này người dân 2 thôn cũng mấy lần làm lại chiếc cầu tre, cầu gãy thì lại đò, rồi dần dà đường nhựa, đường bê tông lên ngôi, đi vòng mặc dù xa hơn nhưng vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của dân làng. Vậy là bến đò không còn nữa, nhiều lần nó đứng trên gò cao chỗ ngoại nằm, nhìn ra sông, nhìn về bên làng của nó, thật sự là ngậm ngùi.

Nó vẫn ước có 1 cái cầu để dân 2 bên gần nhau  hơn, nhưng sâu thẳm trong lòng nó vẫn ích kỷ, tiếc cái bến đò. hi hi

Tất nhiên sự ích kỷ sẽ không tồn tại. Một chiếc cầu bê tông hẳn hoi, mới toanh xuất hiện ngay ngõ nhà ngoại nó. Bây giờ nó qua chỗ ngoại nằm thiệt là gần.

Mừng cho dân 2 thôn, cầu đây nè.Dễ thương quá chừng,




Đi ngủ đã, có thể sẽ viết tiếp, hi hihi

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

Hứa

            Nó, trong cuộc sống, dù lời hứa với những người không quen, hay 1 trẻ nhỏ đều cố gắng thực hiện. Vậy mà có 1 lần,  đã có 1 lời hứa với 1 người, nó đã lỡ không thực hiện, và đúng là “1 lần thất tín, vạn lần thất tin”.

Hồi đó nó thích đọc, cái gì cũng đọc, nhà nó chẳng có gì ngoài sách Ba mua thời còn đi dạy. Nó đọc vậy thôi, chứ đầu óc hậu đậu, nên cũng chẳng nhớ gì mấy, nhưng có lẽ, giai đoạn trí óc nó sáng sủa nhất là lúc học phổ thông, bằng chứng là những gì đọc trong thời gian đó, nó vẫn còn nhớ. Hi hi.

Nó thất tín, bởi, dạo đó có 1 cuốn sách hót hòn họt, dân có chữ nghĩa đua nhau đọc, nó cũng “đú trend” muốn đọc. Nhưng, quỷ tha ma bắt thế nào nó lại hứa với người là sẽ không đọc, và cũng không hiểu lý do. Cuối cùng vì tò mò, nó đã đánh mất lời hứa.

Khổ thay, chính việc này đã làm nó hối hận không lâu sau đó, hối hận vì một lý do khác: đã đọc một sản phẩm của một bồi bút. Cũng may, với đầu óc hay quên, những gì đọc được cũng chẳng còn trong đầu nó! Mỗi người một chính kiến, nó tôn trọng quan điểm cá nhân, nên không bàn gì sau đó nữa. Nó không thích tác giả đó cũng như không thích một cô cũng thuộc tầng lớp nổi tiếng đương thời. Nó có cực đoan quá không khi một lần phát hiện ra cô đó đã lấy 1 hình ảnh trên trang blog của nó đem về nhà mình mà không một lời chú thích. Một hành động không nên có ở một người mà đời nay gọi là trí thức. Hic.. Cũng một vài lần gạt bỏ ấn tượng không tốt về cô ấy qua câu chuyện của nó, một cách công bằng nó cũng thử theo dõi fb, blog cô ấy, nhưng đọc và cảm nhận cũng thấy có gì đó lấn cấn, không phù hợp. Nó nhận ra rằng, nền tảng văn hóa là một điều vô cùng quan trọng, ẩn sâu bên trong mỗi con người và làm nên sự khác biệt. một khoảng cách vô tận không bao giờ rút ngắn được bằng bất cứ loại học vị gì. Và, nó thoáng chợt rùng mình buồn bã nghĩ đến sự mất dần, mất dần....

Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ......


Quà tặng  của thầy cho nó.  hi hi  😏😏😏😏
Nó. Một người xấu xa nhất thế giới. Một người nói một đường làm một nẻo! và... vô học Hic.