Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

!

Lâu lâu nó lại gặp những câu chuyện không vui: 

 "Nếu có kiếp sau, tôi không bao giờ muốn nuôi dạy con mình giỏi như vậy..." - Chia sẻ của bà mẹ gây sửng sốt

(THANH HƯƠNG)
Nếu con tôi không thể trở thành nhân vật chính, vậy thì làm một nhân vật phụ hạnh phúc cũng rất tốt.
01
Thời gian trước, một blogger tại Trung Quốc gây chú ý khi thực hiện phỏng vấn một cụ bà tại viện dưỡng lão. Hỏi thăm một chút, hóa ra cụ bà từng là kỹ sư cao cấp về hưu từ một viện nghiên cứu thuộc Bộ Công nghiệp Hạt nhân. Con trai của cụ cũng rất xuất sắc, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ và hiện đã trở thành một luật sư.
Tuy nhiên, khi nhắc đến vấn đề giáo dục, cụ bà lại nói: "Nếu có kiếp sau, tôi nhất định không muốn nuôi dạy con cái xuất sắc nữa".
Tại sao lại như vậy?
Cụ bà lấy những người xung quanh mình làm ví dụ:
Một người bạn của bà có ba người con đều rất thành đạt, đều làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng hiện tại, người bạn này tuổi cao, chồng cũng đã mất, chỉ còn lại một mình trong căn nhà trống trải, hàng ngày lủi thủi ăn cơm một mình, tự đi dạo một mình.
Một đồng nghiệp lớn tuổi khác của bà, con gái sau khi tốt nghiệp đại học đã đi nước ngoài và nhiều năm qua chưa từng trở về, ngay cả khi cha qua đời cũng không xuất hiện.
Chính bà cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Dù bà đang sống trong một viện dưỡng lão cao cấp, mỗi tháng nhận lương hưu khoảng mười nghìn tệ, nhưng lại không có ai ở bên cạnh, cảm giác cô đơn và bất lực bao trùm. Vì vậy, bà rất ngưỡng mộ những người con không quá xuất sắc nhưng luôn ở gần bên cha mẹ.
Một hiệu trưởng từng nói trong bài diễn thuyết của mình: "Hãy tôn trọng sự khác biệt của từng đứa trẻ. Có những đứa trẻ bẩm sinh có năng khiếu học tập, nhưng cũng có những đứa không có.
Những đứa không có năng khiếu học tập có lẽ là đến để báo đáp ơn sinh thành. Bởi những đứa học rất giỏi, sau này có thể sẽ đi Mỹ, Anh hay Canada, gặp nhau chỉ qua video call. Còn những đứa không giỏi học tập, khi chúng ta già đi, sẽ ở bên chúng ta.
Hôm nay chở chúng ta đi ăn bò viên, ngày mai lại chở đi ăn hải sản. Nghĩ thôi đã thấy thật đẹp".
Đúng vậy, mỗi đứa trẻ đến với cuộc đời này đều mang theo một sứ mệnh riêng. Những đứa trẻ xuất sắc sẽ theo đuổi những hoài bão lớn lao, vươn tới những chân trời của riêng mình; còn những đứa trẻ không xuất sắc lại có thể ở bên cạnh, mang đến cho chúng ta hạnh phúc giản dị.
02
Trước đây, trên mạng từng lan truyền một video cảm động về lời tâm sự của một cụ già 80 tuổi sống một mình. Cụ quay về phía máy quay, nói rằng mình quá cô đơn, cả đời vất vả cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhưng giờ đây chẳng có ai bên cạnh.
Cụ có hai con gái, hai con trai, tám cháu nội và bảy chắt. Dù các con đều hiếu thảo, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, mỗi người đều bận bịu làm việc. Suốt cả năm, thời gian về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đúng là, con cái xuất sắc, hiển nhiên là niềm tự hào của cha mẹ. Nhưng rất nhiều lúc, con cái càng xuất sắc lại càng xa cách cha mẹ.
Một nhà văn từng kể: Có một cặp vợ chồng đều là giáo viên, hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục và không tiếc tiền đầu tư cho con trai.
Từ khi con còn nhỏ, họ đã kiên trì ngày nắng cũng như mưa đưa đón con đến các lớp học thêm, từ toán nâng cao đến các lớp bồi dưỡng năng khiếu.
Con trai cũng không làm họ thất vọng. Trong kỳ thi đại học, cậu đạt thành tích xuất sắc và được tuyển thẳng vào một trường đại học hàng đầu trong nước, sau đó tiếp tục ra nước ngoài du học và làm việc với mức lương đáng mơ ước.
Sau này, con trai định cư ở Đức. Để hỗ trợ con, hai vợ chồng bán căn nhà ở trung tâm thành phố, gửi tiền cho con mua nhà bên đó.
Ban đầu, họ mong chờ con sẽ đón mình sang Đức dưỡng già. Nhưng rồi, hơn chục năm trôi qua, con trai chưa bao giờ đề cập đến việc đón cha mẹ sang. Trong thời gian đó, cậu chỉ về nước hai lần, mỗi lần đều rất vội vàng. Hai vợ chồng cảm thấy chạnh lòng nhưng vẫn tự an ủi rằng, con thành đạt là điều tốt, không thể trói buộc cánh chim muốn bay xa.
Cho đến khi người cha được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn cuối, thời gian không còn nhiều. Dù con trai trở về thăm, nhưng cả thời gian ở nhà cậu cũng chỉ bận rộn với các cuộc gọi công việc. Cuối cùng, cậu lại vội vàng rời đi, để mặc người mẹ già và người cha bệnh nặng.
May mắn thay, bà mẹ còn có hai người cháu trai bên ngoại hỗ trợ đặt lịch khám bệnh, mua vé, thậm chí thay nhau túc trực bên giường bệnh.
Dù vậy, người cha vẫn ra đi mãi mãi.
Trong những ngày tháng cần sự an ủi từ gia đình nhất, con trai vẫn ở nơi xa xôi ngàn dặm, còn trách nhiệm chăm sóc mẹ già cũng rơi vào tay hai cháu trai. Sự việc này khiến người mẹ cảm thấy đau lòng vô cùng.
Vài năm sau, con trai bất ngờ quay về. Bà mẹ nghĩ rằng cuối cùng con đã hối lỗi, nhưng rồi bà phát hiện ra cậu trở về chỉ vì phần đền bù giải tỏa đất đai. Sau sự việc này, bà hoàn toàn nhìn thấu con trai mình.
Bà hối hận vì đã quá chú trọng đến việc học hành mà không chú tâm rèn luyện nhân cách và đạo đức cho con. Kết quả là cuối đời, bà phải sống trong sự cô đơn, không nơi nương tựa.
Một nhà giáo dục từng nói: "Thành tích học tập không quyết định cả đời của một đứa trẻ, mà chính là nhân cách toàn diện của chúng".
Trong cuộc sống, rất nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chăm muốn con mình vào trường danh tiếng, lấy thành tích xuất sắc làm mục tiêu duy nhất.
Nhưng thực tế, nuôi dạy một đứa trẻ biết hiếu thảo, lương thiện, và biết quan tâm đến người khác, dù kết quả học tập không quá nổi bật, mới là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời cha mẹ.
Bởi khi về già, cha mẹ sẽ nhận ra rằng: Con cái dù có thành đạt, dù thành tích rực rỡ đến đâu, cũng chỉ là ánh sáng thoáng qua. Chỉ những đứa con biết quan tâm, yêu thương và đặt cha mẹ vào trong lòng mới là chỗ dựa thực sự cho cả đời.
03
Từng đọc một câu chuyện trong một bài báo:
Từ trước đến nay, chúng ta thường hy vọng con cái sẽ thành đạt, đạt được thành công rực rỡ. Nhưng thực tế, 90% mọi người đều sẽ rơi vào cuộc sống bình thường.
Và cha mẹ, suốt đời này, cuối cùng cũng phải học cách hòa giải với sự bình thường của mình và của con cái.
Như một nhà văn từng viết trong thư gửi con trai: "So với việc mong con thành công, bố mẹ mong con được hạnh phúc hơn. Nếu con là người yêu thích động vật, thì với con, việc làm quản lý ở Phố Wall, ngày ngày đấu tranh vì những con số, có lẽ không bằng việc hàng ngày tắm cho voi hay chải răng cho hà mã".
Một nhà văn từng nói: "Mọi điều phi thường trong cuộc đời cuối cùng đều quay về sự bình thường, và chính sự bình thường trong cuộc sống mới là thước đo giá trị thực sự. Vĩ đại, hào nhoáng hay thành công đều không quan trọng bằng việc sống một cuộc đời bình thường trọn vẹn và hạnh phúc".
Trên thế gian này, đã có nhân vật chính, thì tất yếu sẽ có nhân vật phụ. Nhân vật chính có cuộc sống đầy biến động, đầy màu sắc của họ; nhưng nhân vật phụ cũng có những niềm vui bé nhỏ của riêng mình. Không phải chỉ làm nhân vật chính thì cuộc đời mới viên mãn.
Nếu con tôi không thể trở thành nhân vật chính, vậy thì làm một nhân vật phụ hạnh phúc cũng rất tốt.



(Nó thấy câu này được: "Bà hối hận vì đã quá chú trọng đến việc học hành mà không chú tâm rèn luyện nhân cách và đạo đức cho con")

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Yêu thương

Nó đã làm một chuyến ngẫu hứng. Nối những người yêu thương với nhau một vòng quanh quanh, hi hi.

Ngày xưa ơi, mất dấu. Một chút chạnh lòng. Biết làm sao, người ngày càng đông, trái đất ngày càng hẹp lại...

Có quá nhiều niềm vui trong chuyến đi.

Có quá nhiều sự kiện bất ngờ.

Cô và Chị nói chắc là chuyến cuối. Không, nó không nghĩ vậy. 

Một câu chuyện ấm áp vào cuối ngày. Cô cháu hậu đậu rớt cái ví trên đường khi chuyển xe. Về đến nhà mới phát hiện, thôi rồi, em ơi, nơi đô thành người như hội, biết đâu mà tìm. Vậy mà anh nó vẫn có niềm tin vào lòng tốt của người SG, Anh nói, con người ở đây kì lạ lắm, họ tốt đến ngỡ ngàng. Vậy mà, như một phép màu, 1 giờ sau, bé cháu nhận được 1 tin nhắn vào tài khoản, một ai đó chuyển khoản 10 nghìn, kèm tin nhắn liên hệ nhận ví. Mừng muốn xỉu, hic. Đúng là cái đất, không chuyện gì là không thể. 

Một chuyến đầu năm, một chuyến cuối năm, mỗi lần đi là một lần nhớ...





 

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Harvard

 Harvard những sự thật thú vị và những câu nói truyền cảm hứng.



Harvard là trường đại học hàng đầu tại Mỹ và là niềm mơ ước của các du học sinh trên toàn thế giới. Là Viện đại học nghiên cứu tư thục, thành viên của Liên đoàn Ivy, ở Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ. Với lịch sử, tầm ảnh hưởng, và tài sản của mình, Harvard là một trong những Viện đại học danh tiếng nhất thế giới và trở thành một trong những thước đo thành công.
NHỮNG SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ ĐẠI HỌC HARVARD
Harvard không chỉ là trường tốt nhất mà còn là trường đại học đầu tiên của nước Mỹ. Nó được thành lập năm 1636 bởi John Harvard, một mục sư ở Charlestown, người đã trao tặng thư viện cá nhân cho nhà trường và một nửa tài sản của mình trước khi qua đời ở tuổi 30 (năm 1638).
• Khuôn viên trường Harvard rộng 85 ha tại Cambridge, Massachuset, Mỹ.
• Trung bình một năm chỉ có 7.2% hồ sơ nhập học được chấp nhận và 85% sinh viên Harvard không mang quốc tịch Mỹ.
• Thư viện của Harvard thuộc vào top 10 các thư viện lớn nhất thế giới, và là số 1 trong số thư viện của các trường đại học với khoảng 13.6 triệu đầu sách với rất nhiều cuốn sách được xuất bản từ những năm 1700.
• ĐH Harvard giàu có hơn 109 quốc gia trên thế giới.
• Mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp Harvard là 118.200 USD/năm.
TRONG THƯ VIỆN TRƯỜNG CÓ NHỮNG CÂU NÓI TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
Nhiều người nói đùa rằng, Harvard là trường học chỉ dành cho “siêu nhân”. Bởi áp lực học tập cũng như yêu cầu tổng hợp bao gồm: sự thông minh, những cá tính khác biệt, khả năng lãnh đạo và sáng tạo nổi trội, sự năng động, thích nghi … là rất cao.
Chính vì vậy trong thư viện của trường có 10 câu nói hay giúp truyền cảm hứng cho sinh viên và tạo động lực phát triển bản thân.
1. If you fall asleep now, you will dream. If you study now, you will live your dream.
(Nếu bạn chợp mắt vào lúc này, bạn sẽ mơ. Nếu bạn bắt đầu việc học ngay bây giờ, bạn sẽ biến giấc mơ ấy thành sự thật.)
2. When you think it’s too late, the truth is, it’s still early
(Khi bạn nghĩ mọi chuyện đã quá muộn, thật ra vẫn còn rất sớm.)
3. The pain of studying is only temporary. But the pain of not knowing – ignorance – is forever.
(Nỗi mệt nhọc trong việc học hành chỉ là nhất thời. Nhưng nỗi đau vì thiếu kiến thức và thờ ơ sẽ kéo dài mãi mãi.)
4. Studying is not about time. It’s about effort.
(Vấn đề của việc học không phải là thời gian mà là sự nỗ lực.)
5. Life is not all about studying. But if you can’t even conquer this little part of life, then what else can you possibly do?
(Cuộc sống không chỉ xoay quanh việc học. Nhưng nếu bạn thậm chí không thể đánh bại việc nhỏ nhặt này, thì bạn còn có thể làm được việc gì nữa?)
6. It’s those who are earlier than the others, those who put in more effort, who can enjoy the feeling of success.
(Vấn đề không phải là ai sớm hơn ai, mà những người đặt nhiều nỗ lực hơn sẽ tận hưởng được cảm giác thành công.)
7. Not everyone can truly succeed in everything. But success only comes with self-management and determination
(Không phải bất cứ ai cũng thành công trong tất cả mọi thứ. Nhưng sự thành công chỉ đến cùng lúc với khả năng tự quản lý và sự kiên định.)
8. If you don’t walk today, you’ll have to run tomorrow.
(Nếu bạn không bước đi hôm nay, bạn sẽ phải chạy vào ngày hôm sau.)
9. The level of education is in direct correlation with your salary.
(Trình độ học vấn tương quan trực tiếp tới mức lương của bạn.)
10. When today is over, it will never come back.
(Ngày hôm nay qua đi sẽ không thể quay lại nữa.)
Hy vọng với bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm một số thông tin về một trong những trường đại học danh giá thuộc top đầu thế giới.
LVQ sưu tầm
❤ ❤
*
Tất cả những giấc mơ của chúng ta đều có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta có đủ can đảm để theo đuổi chúng. – "All our dreams can come true if we have the courage to pursue them."

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

N.g.u

Đúng là ông này có tâm, chỉ miết những lỗi sai của cái chương trình này. Mà những lời ông nói cứ như vào cõi thinh không.

Ngay cái lần coi đầu tiên là nó đã không chịu được, tắt tivi liền. Người hiểu biết chắc cũng chẳng ai thèm coi.

Chắc có người coi nên họ vẫn còn làm. Tội thiệt😀😀😀😀😀😀😀

 Trích từ fb Ông HTC

Thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm

(Về những sai sót và bất ổn của chương trình Vua Tiếng Việt)
Kính gửi ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Tôi là Hoàng Tuấn Công, người nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá dân gian, hiện sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa, số điện thoại:…, email...
Hôm nay tôi buộc lòng phải viết thư này gửi đến ông, cũng bởi vạn bất đắc dĩ, vì biết ông mới nhậm chức, hãy còn bận trăm công ngàn việc ở cương vị mới. Đó là câu chuyện liên quan đến những sai sót kéo dài của chương trình truyền hình Vua Tiếng Việt phát sóng từ năm 2021 đến nay trên VTV3.
Thưa ông Nguyễn Thanh Lâm, thực ra bức thư ngỏ này tôi viết từ ngày 31/7/2024, vốn để gửi đến người tiền nhiệm của ông là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang, nhưng cứ nấn ná chưa gửi bởi vẫn hy vọng và chờ đợi Vua Tiếng Việt có sự đổi mới, rút kinh nghiệm, không còn để xảy ra sai sót nữa. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, trong suốt thời gian qua cho đến chương trình gần đây nhất, không kiểu này thì kiểu kia, Vua Tiếng Việt vẫn tạo ra lỗi sai một cách cẩu thả, thô bạo, rất khó chấp nhận. Bởi thế, hôm nay tôi không còn cách nào khác là gửi tới ông bức thư ngỏ vốn được viết ra để gửi người tiền nhiệm của ông, như đã nói.
Thưa ông, tôi là người làm công việc nghiên cứu phê bình tự do, đã xuất bản sách phản biện về các công trình Việt ngữ (cuốn Từ điển của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu – NXB Hội Nhà văn, 2017), cùng hàng trăm bài trao đổi, phê bình khảo cứu về ngôn ngữ và từ điển, trong suốt gần ba mươi năm qua. Từ tháng 4 năm 2023, tôi mới biết Đài Truyền hình Việt Nam có một chương trình mới có tên Vua Tiếng Việt, “nhằm tìm hiểu và khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt qua các từ vựng, ngữ pháp, ca dao,... trong đời sống, đồng thời hướng đến gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt…”. Tôi đã vui mừng, nhưng rồi dần thất vọng, nỗi thất vọng ngày càng lớn, lí do là có quá nhiều sai sót về ngôn ngữ và ngôn ngữ học trong chương trình này.
Từ thời điểm ấy đến nay, tôi trở thành một khán giả bất đắc dĩ, hàng tuần kiên nhẫn theo dõi Chương trình Vua Tiếng Việt (thường là phát lại qua các kênh YouTube), vừa “nhặt sạn”, góp ý và “tư vấn miễn phí”, vừa hi vọng và chờ đợi về một sự cải thiện chất lượng trong mỗi số phát sóng. Nhưng đã hơn một năm trôi qua, tình hình không những không được khắc phục, mà đáng buồn thay, những lỗi sai mà chính bản thân tôi và nhiều người đã giúp chỉ ra và góp ý một cách chân thành, đầy trách nhiệm, đã không được ekip Chương trình tiếp thu và sửa chữa; ngược lại vẫn phát sinh lỗi mới và lặp lại lỗi cũ.
Về các lỗi sai của Vua Tiếng Việt, tôi đã công khai trên Blog cá nhân, Facebook cá nhân, đăng trên báo và trả lời báo chí. Từ đây, những sai sót của Vua Tiếng Việt cũng được đông đảo khán giả và những nhà chuyên môn lên tiếng, có những lúc đã tràn ngập các bài viết trên mạng xã hội, hàng loạt tờ báo lớn cũng “vào cuộc” phản ánh. Một số ví dụ:
-Vua tiếng Việt bị chê nhiều sạn https://tienphong.vn/vua-tieng-viet-bi-che-nhieu-san...
-Cố vấn chương trình Vua Tiếng Việt tôi cũng bất ngờ trước lỗi sai https://danviet.vn/co-van-chuong-trinh-vua-tieng-viet-toi...
-Vua Tiếng Việt vừa trở lại đã bị bắt lỗi https://tienphong.vn/vua-tieng-viet-vua-tro-lai-da-bi...
Không thể kể hết những bài báo và các bài viết trên mạng xã hội nói về những cái sai của Vua Tiếng Việt.
Tôi không rõ ông có nắm được, hay có được những người chịu trách nhiệm về Chương trình báo cáo về sự việc trên đây hay không. Bởi vậy, sau đây tôi xin điểm qua một số dạng lỗi và cố gắng kèm ví dụ minh họa nếu có thể (vì khó lòng mà liệt kê đầy đủ các lỗi trong một bức thư ngắn), để ông nhanh chóng nắm được vấn đề.
1.Vua Tiếng Việt sai chính tả rất nhiều lần, trong đó có cả những lỗi chính tả mà hiếm ai có thể mắc phải. Ví dụ:
-“Chậm trễ” viết thành “chậm chễ”; “xoay xở” viết thành “xoay sở”; “xe tơ” viết thành “se tơ”,...
-Hai từ khác nhau, nhưng Vua Tiếng Việt lại ngộ nhận từ này là sự cố chính tả của từ kia, như: “bàng hoàng” và “bàn hoàn”; “loang lổ” và “lang lổ”,...
-Hai từ đồng nghĩa, với hai dạng chính tả đều được chấp nhận, nhưng lại ngộ nhận cho rằng một trong hai từ sai chính tả, ví dụ: dúm dó và rúm ró; trương lên và chương lên; tròng trành và chòng chành,…
2. Vua Tiếng Việt nhiều lần tự tạo ra lỗi văn bản để yêu cầu người chơi “viết lại cho đúng chính tả”. Ví dụ: “trung chiâng” (chung chiêng); “ngyêm nghặt” (nghiêm ngặt); “qãng” (quãng); “qăng qật” (quăng quật); “bâg khuâg” (bâng khuâng); “áo giách” (áo rách). Đây thực chất đều là những lỗi văn bản, do đánh thiếu chữ hoặc nhảy chữ, chứ không phải lỗi chính tả (lỗi kiểu này liên tục lặp đi lặp lại, kéo dài cho đến chương trình gần đây nhất). Như vậy, Vua Tiếng Việt đã phạm vào lỗi rất sơ đẳng, đó là không phân biệt được lỗi chính tả và lỗi văn bản khác nhau thế nào.
3. Vua Tiếng Việt nhiều lần giải nghĩa các thành ngữ, tục ngữ sai, hoặc cung cấp cho người chơi và khán giả các dị bản thành ngữ, tục ngữ ca dao sai lệch đến mức vô cùng bi hài. Ví dụ các câu “Đá đưa đầu lưỡi”, “Lộng giả thành chân”, “Ông tha mà bà chẳng tha,…”, “Cháy nhà ra mạch chuột”, “Mèo theo miếng thịt xôn xao…”; “Chơi dao có ngày đứt tay”, “Cha già con cọc”,…Tôi không thể kèm theo nội dung phản biện ở đây vì rất dài.
4. Vua Tiếng Việt ra câu hỏi một đằng nhưng lại yêu cầu đáp án một nẻo. Đó là yêu cầu người chơi sắp xếp các từ ngữ “thành câu có nghĩa” nhưng lại chỉ chấp nhận một đáp án duy nhất đúng, đó là những câu thơ hay câu văn cụ thể của ai đó. Ví dụ “bữa/điếc/xóm/Hàng/một/tai/phải” đáp án là “Hàng xóm một bữa phải điếc tai” (phương án “Hàng xóm phải điếc tai một bữa” dù hoàn toàn “có nghĩa” nhưng không được Chương trình chấp nhận); “bát/ba/cơm / Ăn / những, đáp án” = đáp án là “Ăn cơm những ba bát” (phương án “Ăn những ba bát cơm” dù hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đề ra, đó là “có nghĩa”, nhưng cũng không được chấp nhận).
5. Vua Tiếng Việt tổ chức cho người chơi giải nghĩa từ ngữ một cách tùy tiện và không chính xác về mặt ngữ nghĩa học (những lỗi này không thể kể hết).
6. Nguồn tài liệu tham khảo của Vua Tiếng Việt không chỉ quá ít ỏi, lạc hậu, mà kĩ năng tra cứu từ điển, lựa chọn từ điển cũng bộc lộ nhiều hạn chế, nếu không nói là chưa biết tra từ điển. Ví dụ ở Tập 26 (2023), Chương trình yêu cầu người chơi tìm ra một từ mà nghĩa của nó chỉ “tình cảm gắn bó thuỷ chung, giữa hai con người,… giữa hai vợ chồng”. Người chơi trả lời là “sắt son” (rất chính xác), nhưng lại không được chấp nhận, vì đáp án của chương trình là “son sắt”. Điều này hoàn toàn sai, vì hai từ này đồng nghĩa. Theo đây, nếu Vua Tiếng Việt sử dụng “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên, bản của Vietlex) thì ngay trong mục từ “son sắt”, soạn giả đã có chú thông tin từ đồng nghĩa với nó là “sắt son”; ngược lại ở mục từ “sắt son” được chú là “như son sắt”; trong khi từ điển Hoàng Phê (bản cũ của Viện Ngôn ngữ) mà Vua Tiếng Việt đang sử dụng làm bảo bối, lại không có phần chú thông tin cho từ đồng nghĩa, do vậy người làm kịch bản đã không kết nối được hai từ “son sắt” và “sắt son”. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà Vua Tiếng Việt dù ôm khư khư từ điển trong tay nhưng lại để xảy ra những sai sót thật bi hài. Lỗi này còn xuất phát ngay từ khâu xây dựng kịch bản, tiếp đến là lỗi của cố vấn và người dẫn chương trình. Họ đã không tính trước được những gì có thể phát sinh ngoài kịch bản, và cũng không xử lí được tình huống nóng trên sân chơi.
Thưa ông Nguyễn Thanh Lâm, hẳn ông đã biết, VTV3 cũng như Vua Tiếng Việt thuộc đài truyền hình quốc gia nên có hàng triệu khán giả theo dõi mỗi ngày, kể cả kiều bào và người nước ngoài rất yêu tiếng Việt và đang học. Trong số những khán giả ấy có không ít người hạn chế về năng lực tiếng Việt và tri thức tiếng Việt, và đặc biệt có rất nhiều giáo viên, học sinh. Mà tâm lý chung của người dân là “tivi nói là chuẩn rồi”, thành ra với việc mắc phải và “sản xuất” ra các lỗi sai ngày càng nhiều như đã nói, Vua Tiếng Việt đang truyền bá sâu rộng những sai lầm, làm méo mó tiếng mẹ đẻ.
Thưa ông Nguyễn Thanh Lâm, như đã nói ở đầu thư, suốt hơn một năm qua tôi đã viết hàng chục bài, liên tục chỉ ra những lỗi, từ sơ đẳng đến phức tạp về ngôn ngữ trên Chương trình Vua Tiếng Việt. Bên cạnh đó, rất nhiều đóng góp của độc giả bốn phương và báo chí nhà nước, trong đó không ít những người có chuyên môn sâu về ngôn ngữ học. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi, những người yêu tiếng Việt và lo lắng cho tiếng Việt nhận được chỉ là một sự im lặng khó hiểu. Cho đến nay, chưa một lần những người có trách nhiệm của Chương trình Vua Tiếng Việt (như người chỉ đạo sản xuất Tạ Bích Loan hay đạo diễn Khuất Ly Na,…) lên tiếng xin lỗi, đính chính. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục “sản xuất” ra các lỗi sai cả cũ lẫn mới. Với thái độ và ứng xử ấy, chúng tôi buộc lòng phải nghĩ rằng, ekip của Vua Tiếng Việt thiếu trách nhiệm, không tôn trọng khán giả, thách thức dư luận và đang góp phần phá hoại tiếng mẹ đẻ một cách công khai.
Với mong muốn chương trình ngày càng tốt hơn, chúng tôi đã không tiếc công sức tra cứu và viết nhiều bài, nêu và chỉ ra cách sửa chữa những lỗi sai mà Vua Tiếng Việt đã mắc phải, nhưng đã không nhận được bất kỳ sự tiếp thu hay phản hồi nào từ ekip Chương trình. Ý thức sâu sắc về ảnh hưởng to lớn của Chương trình đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tôi buộc lòng phải viết thư này gửi đến ông với những đề nghị sau đây:
1. Chỉ đạo những người chịu trách nhiệm của Vua Tiếng Việt khắc phục triệt để các lỗi sai đã được khán giả chỉ ra và không tiếp tục lặp lại cũng như làm phát sinh các lỗi mới.
2. Nên tạm dừng phát sóng nếu vẫn chưa có được một ekip và đội ngũ cố vấn đủ năng lực và trách nhiệm để đảm đương Chương trình.
3. Yêu cầu người chịu trách nhiệm chính của Vua Tiếng Việt phải lên tiếng công khai xin lỗi khán giả và người dân nói chung (vì tiếng Việt là một di sản văn hóa của toàn dân).
4. Cuối cùng, yêu cầu Vua Tiếng Việt đính chính lại tất cả những sai sót của Chương trình (từ Mùa 1 cho đến Mùa 3), trả lại sự chính xác và trong sáng vốn có của tiếng Việt.
Chân thành cảm ơn và chờ đợi phản hồi từ ông.
Thanh Hóa, ngày 31.7.2024 – 1.11.2024
Hoàng Tuấn Công
Ghi chú :
Bức thư ngỏ này được viết lại từ ngày 1/11/2024, để gửi tới Tổng Giám đốc mới của Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng một lần nữa, người viết lại nấn ná chưa gửi. Và cũng chính trong khoảng thời gian này, chương trình Vua Tiếng Việt lại tiếp tục sản xuất ra các lỗi mới, rất khó chấp nhận.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

Mong manh

 Tự nhiên, nó, ngày càng cảm thấy mong manh. Chắc là cái sự già.... hi hi

Coi một bộ phim, gặp những cảnh căng thẳng, nó tắt máy, không dám coi nữa.

Đọc một câu chuyện, đoạn nào căng quá, nó cũng gấp sách, không đọc nữa.

Nói chuyện với đồng nghiệp hay bạn bè, người quen, ai sân si quá, nó im lặng.

Giữ cho cái đầu nhẹ nhàng, đừng để những gì nặng nề làm tổn thương.

Một sự việc nếu mình nhìn nó nhẹ nhàng thì nó sẽ nhẹ nhàng. 

Cám ơn bó hoa nhỏ nhưng ấm áp.




Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

tunrua

 Nó ....rảnh, hỏi AI: tunrua là ai?

AI cho kết quả: Tunrua là một blogger, influencer nổi tiếng trong lĩnh vực ẩm thực và phong cách sống. Nội dung mà Tunrua chia sẻ thường xoay quanh các món ăn, công thức nấu ăn cũng như những trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Ngoài ra, Tunrua cũng có thể chia sẻ về các vấn đề khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày, phong cách cá nhân, và các mẹo vặt hữu ích.

Ha ha ha.😇😇😇

Còn làm thơ nữa chứ:

--- thơ về tunrua

**Chú Rùa Chậm Rãi**

Chú rùa chậm chạp, bước đi thật hay,  

Trên cỏ xanh mướt, dưới ánh nắng mai. 

Giỏ cuống cuồng không, cuộc sống thong thả, 

Mỗi bước chân qua, nhẹ nhàng và khẽ khàng.

Chú mang trên lưng, chiếc mai cưng xinh, 

Nơi chứa bao kỷ niệm, như một chiếc ký ức. 

Dẫu chạy chậm hơn, nhưng lòng luôn vững, 

Mỗi đích đến gần, chỉ cần kiên nhẫn.

 Khó khăn chờ đón, chớ lo lắng nhiều, 

Bởi cuộc sống này, cũng cần chút yêu. 

Như chú rùa ấy, dẫu chậm vẫn đi, 

Niềm vui cuộc sống, đơn giản mà sâu sắc.

 ---

 Hy vọng bài thơ này mang đến cho bạn những phút giây thư giãn và thú vị!

😅😅😅😅😅




Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Chay

 Người ta đang nói về giải Nobel.

Nó tò mò, vì tác giả là một người nữ, cùng thế hệ nó.

Tìm đọc những gì liên quan đến cô ấy. Và tò mò về truyện ngắn Người ăn chay. Có lẽ có liên quan đến nó một chút, hi hi. Đặt mua.

Bắt đầu bị cuốn vào câu chuyện, lối viết không thông thường như nhiều tác giả nó đã đọc.

Phảng phất một chút của Murakami Haruki.

Có nhiều chi tiết trong truyện nó thích, giống cuộc sống của nó, sở thích của nó. 

Sự tự do! "Sự tự do tối thiểu của một con người, tự do với chính bản thân mình"!

Những truyện tiếp theo,...

..."ai sẽ can đảm sống một cuộc đời thật sự của mình"????

😏😏