Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Món quà dễ thương

         Một ngày đẹp trời, con bé mang đến tặng nó món quà: 1 chậu hoa nhỏ xíu, với những nụ hoa chúm chím. Nó nghĩ, mấy cái chậu hoa mua ở tiệm, chắc được vài ngày rồi khi hoa tàn thì cây cũng héo luôn. Nhưng không ngờ, cành vẫn tốt và lá vẫn xanh, mặc dù nó chẳng làm gì cả! Và hôm nay, cái cây nhỏ nhắn ấy lại tặng nó 1 cái bông hồng nho nhỏ, lung linh, đúng những ngày Giáng Sinh ấm áp. Cám ơn bé con một lần nữa.


Lần thứ hai được tặng những cây hoa hồng. Mặc dù không thích hoa hồng, nhưng nhìn hoa cũng nhớ con bé dễ thương. hi hi.

Sắp hết 1 năm rồi....😊

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

!

 CÁCH ĐÂY MỘT THẾ KỶ, NHỮNG NGƯỜI KHỔNG LỒ

Nguyên Ngọc

Gần đây, do những chuyển động mới trong đời sống xã hội và hoạt động tích cực của những người tâm huyết, một số tác phẩm của nhiều người trước đây từng bị coi là “có vấn đề” đã được in và giới thiệu lại, đáng chú ý chẳng hạn những bài viết phong phú, sắc sảo và sinh động, cả cập nhật ngay đối với hôm nay nữa của Phan Khôi, hay những tác phẩm uyên thâm, thống thiết, và lạ thế, cũng cập nhật không kém của Phạm Quỳnh - một tập tiểu luận dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của ông đang gây chú ý rộng rãi trong dư luận. Một nhân vật đặc biệt khác cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều người nhiều giới: Nguyễn Văn Vĩnh. Theo chỗ tôi được biết một bộ phim tài liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của ông đang được chuẩn bị. Tôi có được xem một phần bản thảo phim ấy. Mở đầu là một người cháu gái của Nguyễn Văn Vĩnh, nay chắc cũng đã quá tuổi tứ tuần, kể chuyện cách đây mấy mươi năm một hôm đi học về tủi thân và khóc ròng, lại gặp cơn mưa lớn, phải vào trú dưới mái hiên một nhà bên đường. Bà cụ chủ nhà thấy có cô học trò đứng dưới hiên nhà mình mà khóc, liền ra hỏi: “Sao cháu khóc nhiều thế?”. Cô bé sụt sùi: “Sáng nay ở lớp cô giáo dạy rằng ông nội cháu là một tên đại Việt gian, tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp, cháu buồn, cháu nhục quá…”. “Vậy ông nội cháu là ai?”. “Dạ, ông cháu là Nguyễn Văn Vĩnh ạ...”. Bà cụ ôm chầm lấy cô bé: “Trời ơi, cháu là cháu nội Tân Nam Tử ư? Ôi, cháu vào ngay đây với bà, cháu không việc gì phải khóc cả, Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh là một người rất vĩ đại, mặc ai nói gì thì nói, cháu phải rất tự hào. Cháu có một người ông từng có công lớn lắm với đất nước này... Rồi xã hội cũng sẽ phải công bằng thôi, cháu ạ...”. Quả thật ngày nay cuộc sống đã bắt đầu trả lại sự công bằng - muộn mằn và chậm chạp - cho nhân vật cao lớn đến kỳ lạ ấy của đất nước: một nhà văn, một nhà báo, một dịch giả, một nhà văn hóa lớn, hầu như lĩnh vực nào cũng là người khai phá và luôn ở hàng đầu, người sáng lập tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, ông tổ của ngành in hiện đại ở nước ta, người đầu tiên thiết lập nền sân khấu hiện đại ở Việt Nam, và bằng những bài thơ dịch La Fontaine tuyệt vời, cũng là người đầu tiên phá vỡ thể thơ truyền thống, giải phóng thơ Việt ra khỏi khuôn khổ cổ cứng nhắc hàng nghìn năm, mở đường cho thơ mới ra đời, hiện đại hoá thơ Việt, cũng lại là một trong những người tiên phong sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục: một nhà khai sáng chói lọi của đất nước đầu thế kỷ XX…

Cuộc sống cũng đã và đang dần dần trả lại công bằng cho một số tên tuổi lớn từng bị soi rọi nhiều chục năm dưới những nguồn sáng chẳng lấy gì làm đẹp đẽ, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, và không ít người khác nữa, những tài năng xuất chúng, những nhà khai sáng lớn trong một thời kỳ chuyển động lịch sử quan trọng. Một số nhân vật khác, ít gay cấn hơn, nhưng cũng từng bị hiểu sai, công khai hay lập lờ, bị gán cho những danh hiệu tuỳ tiện và quy chụp, hoặc bị quên lãng, đẩy xuống những hàng khuất lấp bất công, những Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Trương Gia Mô, Nguyễn Trọng Lợi, Huỳnh Tá Bang, Nguyễn Bá Trác..., nay người ít người nhiều, người sớm người muộn, người đã tương đối rõ ràng người còn phải tiếp tục làm sáng rõ, đã dần dần được đánh giá lại theo đúng tầm cỡ, vị trí và cống hiến của họ trong lịch sử cận đại và hiện đại... Thời gian đang làm công việc lâu dài mà sòng phẳng của nó, không thế lực, cường quyền nào ngăn chặn được, bất chấp những tiếng la ó ngày càng lạc lõng của ai đó. Đời sống tinh thần, văn hóa, cả chính trị của đất nước vì thế ngày mỗi giàu thêm lên. Và được thụ hưởng là tất cả chúng ta, là nhân dân. Có lẽ còn hơn thế nữa, đây không chỉ là một sự khôi phục công bằng lịch sử lành mạnh. Còn có thể là một đóng góp không hề nhỏ cho chính sự phát triển nhiều triển vọng mà cũng đầy thách thức hôm nay. Bởi những thế hệ quá khứ không chỉ đã đóng trọn vai trò hoá ra là hết sức to lớn của họ, họ còn có thể tham gia trực tiếp vào cuộc đi tới hôm nay của chúng ta, bằng những bài học còn nóng hổi, nếu ta biết từ họ mà đối chiếu và ngẫm nghĩ, từ đó tính lại bao nhiêu công việc của chúng ta bây giờ.

Riêng tôi, từ ít lâu nay, tôi vẫn thường trở đi trở lại với một câu hỏi: Tại sao hồi đầu thế kỷ XX chúng ta lại có được một thế hệ những người khổng lồ như vậy, trong văn hóa, tức là ở cái nền tảng cơ bản nhất của tất cả, mà hình như ngày nay chúng ta lại không có, không còn có được? Những điều kiện lịch sử nào và những nỗ lực cá nhân nào đã tạo nên “thế hệ vàng” ấy của văn hóa Việt Nam vào đúng thời điểm vô cùng quan trọng mà chắc rồi chúng ta còn phải nhiều lần trở lại công phu tìm hiểu, nghiên cứu?

Trong nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân, phải chăng có một nguyên nhân hết sức quan trọng, thậm chí quyết định này: thế hệ ấy có một lợi thế đặc biệt, họ là một thế hệ đa văn hóa. Đặc điểm quan trọng nhất của họ là từ Hán học chuyển sang Tây học. Một nền Hán học rất uyên thâm, mà trước nay ta quá dễ hời hợt coi thường, khinh miệt, chế giễu, cả lên án nữa. Về điều này, lâu nay tôi nghĩ có hơi khác một chút. Tôi đã thử đặt câu hỏi: nền đại học nào đã tạo nên những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Đào Nguyên Phổ, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Đặng Nguyên Cẩn…, cả những Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu…? Chính là nền đại học “phong kiến” vào một thời kỳ mạt vận nhất của chế độ ấy tức nhà Nguyễn. Vậy hóa ra nền đại học ấy không hề tầm thường chút nào, ít ra cũng không tầm thường hơn nền đại học ta đang có hiện nay. Họ học gì? Tứ Thư, Ngũ Kinh. Và Tứ Thư, Ngũ Kinh là gì? Đấy là trí tuệ cao nhất, tập trung, cô đúc nhất của thời trung đại phương Đông. Họ không học tràn lan như chúng ta bây giờ, vơ cho kỳ hết đủ thứ, bỏ cái gì cũng sợ thiếu, đến nỗi học trò lớp một phổ thông đã phải vẹo cả cột sống với chiếc cặp sách khốn khổ của bộ Giáo dục trên lưng! Họ chỉ học rất ít, chắt lọc lấy cái cơ bản nhất mà học, học cho đến nhuần nhuyễn, để rồi từ cái cơ bản đó mà đủ sức tự mình vận dụng hành xử trong mọi tình huống suốt đời. Có lẽ cũng chính vì vậy mà có một điểm rất đáng chú ý: chính những người giỏi nhất trong số họ, những nhà Hán học uyên thâm nhất lại là những người được nền học vấn ấy tạo nên trí tuệ và ý chí độc lập hết sức mạnh mẽ để dám và biết cách từ bỏ thầy, từ bỏ sách, đạp đổ cái cũ, chống lại chính cái đã học, đi trên cái mới, tự giải phóng cho trí tuệ của mình và cho đất nước, dân tộc. Nghĩa là họ học để trở thành người độc lập, tự chủ, chứ không phải thành người nô lệ, nô lệ cho những giáo điều bất khả xâm phạm, như ta từng lầm tưởng. Người nổi bật nhất trong số đó và xu hướng đó là Phan Châu Trinh, mà Huỳnh Thúc Kháng đã đánh giá xác đáng là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”. Vậy thì, nghịch lý thay, nền giáo dục đó rất hiện đại: nó tạo nên không phải những đầu óc được nhồi sọ u tối mà là những nhân cách độc lập, tất nhiên, như bao giờ cũng vậy, ở bộ phận ưu tú nhất của nó…

Những con người đó lại gặp một chuyển đổi thời đại hết sức quan trọng, khi Việt Nam, và cả phương Đông đối mặt với phương Tây, khi diễn ra sự gặp gỡ và va chạm quyết định giữa hai nền văn hóa, văn minh lớn của nhân loại. Những phần tử sáng suốt nhất trong Hán học đã chuyển sang Tây học, dũng cảm, quyết liệt. Có điều thoạt thấy rất lạ: chính thế hệ Tây học đầu tiên đó lại là những nhà Tây học rất sâu. Vì sao? Phải chăng chính là vì họ xuất phát từ Hán học cũng rất sâu. Đây là sự gặp gỡ giữa hai đỉnh cao, từ đỉnh cao này họ nhìn ngắm đỉnh cao kia, từ đỉnh cao này họ đến với đỉnh cao kia. Trong họ là sự kết nối hai nền văn hóa lớn nhất của nhân loại, vấn đề của họ luôn là vấn đề của sự kết nối đó, những khả năng, những khó khăn, thách thức, những lời giải cố tìm cho sự kết nối đó.

Hãy đọc kỹ lại chẳng hạn Phan Khôi. Thật đáng kinh ngạc vì tri thức bác học cả Đông lẫn Tây của ông, hầu như không có lĩnh vực nào bị ông bỏ qua, không vấn đề lớn nhỏ nào không được ông quan tâm, đề cập và dù chỉ một bài báo nhỏ của ông cũng là một công trình nghiên cứu công phu, trung thực, thậm chí khá cơ bản. Ông cũng là người đầu tiên dịch Kinh Thánh. Vì sao ông bỏ công sức lớn để làm công việc khó khăn và thoạt trông rất lạ đó, dầu ông không hề là người Công giáo? Có thể, một là ông dịch để học, hai là, và điều này còn quan trọng hơn, ông hiểu rất sâu rằng đấy là một tác phẩm lớn, cội nguồn của văn hóa phương Tây. Ông muốn tìm đến văn hóa phương Tây ở tận cội nguồn của nó…

Tôi cũng thường chú ý đến Huỳnh Thúc Kháng, một nhân vật có lẽ chúng ta cũng chưa để tâm nghiên cứu đầy đủ và đánh giá thật xác đáng. Thường được nhắc đến giai thoại về việc Huỳnh Thúc Kháng học tiếng Pháp: ông học trong nhà tù Côn Đảo, bằng cách học thuộc lòng từ đầu đến cuối toàn bộ cuốn từ điển Larousse! Có điều đáng ngạc nhiên: văn quốc ngữ của Huỳnh Thúc Kháng rất hay, tôi đọc đi đọc lại ông và cuối cùng nhận ra điều này: hoá ra đấy là lối viết văn quốc ngữ mà chỉ có những người thông thạo Hán học chuyển sang Tây học mới có được; một lối tư duy khúc chiết, chặt chẽ, sáng sủa của lý tính phương Tây mà họ quyết chiếm lĩnh, kết hợp với một lối suy tư và diễn đạt súc tích đến không thừa một chữ, nghĩa ẩn trong chữ, sau chữ, giữa các dòng của người phương Đông. Nói về tính cách độc lập vô cùng mạnh mẽ của Phan Châu Trinh và việc Phan Châu Trinh sáng suốt tìm ra con đường mới từ Tân thư chẳng hạn, Huỳnh Thúc Kháng viết, cực gọn mà sắc, lại đầy hình ảnh: “Tiên sinh đọc sách có con mắt riêng”. Và đây là tuyên ngôn dõng dạc của ông trên số báo Tiếng Dân đầu tiên trong điều kiện làm báo dưới chế độ khắc nghiệt của thực dân Pháp: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Khí tiết và văn phong, cô lại đến đậm đặc và sắc tựa gươm chỉ trong một dòng!...

Cũng không thể không nhắc đến Phạm Quỳnh. Sau nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt, cuốn tiểu luận viết bằng tiếng Pháp từ năm 1922 đến năm 1932 của ông vừa được dịch và in là một hiện tượng xuất bản năm qua. Mối ưu tư thống thiết của ông cố đi trên một con đường cho dân tộc trong cuộc va chạm dữ dội và chấn động giữa hai thế giới Đông Tây, lạ thế, đọc cứ như đang nghe ông nói về chính những vấn đề của hôm nay. Sức nghĩ của con người có thể vượt thời gian đến thế, thật khó ngờ!...

Và về Nguyễn Văn Vĩnh, chỉ xin nói một khía cạnh “nhỏ” này: sự nghiệp dịch thuật, cũng như tất cả các hoạt động sôi nổi của ông trong mọi lĩnh vực khác, đều có tính tiên phong và ngay từ đầu đã rất đặc sắc Nguyễn Văn Vĩnh có một quan niệm thâm thuý về dịch thuật. Ông dịch là để đem về cho đồng bào mình những giá trị văn hóa lớn của nhân loại, điều vô cùng cần thiết, thậm chí khẩn cấp trong công cuộc khai hoá dân tộc mà ông thống thiết theo đuổi suốt đời. Nhưng không chỉ có thế: ông chủ trương đẩy mạnh dịch thuật một mặt là để chứng minh khả năng giàu có của tiếng Việt đồng thời cũng còn là để góp phần hiện đại hoá ngôn ngữ dân tộc, làm cho ngôn ngữ ấy - và qua đó, tất nhiên, cả người Việt, dân tộc Việt - được tăng cường thêm các khả năng chiếm lĩnh những thành quả văn hóa, văn minh cao nhất và cập nhật nhất của nhân loại. Hiện đại biết bao quan niệm và tư duy đó, và tha thiết, sâu đậm biết bao tấm lòng yêu nước của thế hệ dân tộc ta từng có được thời bấy giờ…

Quả thực, hồi đầu thế kỷ XX, chúng ta từng có được một thế hệ vàng. Quả thật đấy là thời kỳ của những người khổng lồ. Để có được ngày hôm nay của đất nước, không phải chỉ có cách mạng và chiến tranh. Hoặc nói cho đúng hơn, chính những con người như vậy, vào một thời điểm chuyển động quan trọng của lịch sử, đã góp phần không hề nhỏ chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, cả chí khí nữa cho dân tộc để có được cách mạng thành công và chiến tranh giải phóng thắng lợi. Thế hệ ưu tú đó đã đi qua. Cần tiếp tục sự minh định công bằng của lịch sử đối với họ. Nhưng điều còn quan trọng hơn, cần tìm biết vì sao thời ấy đất nước khó khăn hơn bây giờ biết bao nhiêu lần, mà lại xuất hiện được thế hệ đặc sắc ấy. Và bây giờ thì chưa có lại được. Vì sao? Có quy luật gì ở đây chăng? Tôi tin rằng có. Có một quy luật: nhất thiết phải đa văn hóa. Phải tìm mọi cách để, như cha ông ta cách đây đúng một thế kỷ, làm chủ được những đỉnh cao của văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây. Không thể, như do cạn cợt và thiển cận suốt một thời gian khá dài, chúng ta đã làm thế nào đó để mà cuối cùng đánh mất cả Đông lẫn Tây, Đông không còn mà Tây cũng vứt đi hết, Đông không ra Đông - Tây không ra Tây. Chỉ còn trơ khất cái được gọi là “dân tộc” kỳ thực là tước đi hết của dân tộc tất cả những tiếp thụ phong phú và cần thiết cho chính cái “dân tộc” đó là một dân tộc giàu có vì liên thông với những đỉnh cao nhất của tinh thần và trí tuệ nhân loại. Cải cách giáo dục, cả cải cách xã hội nữa, phải được đặt trên nền tảng của một tầm nhìn lớn, rất xa và rất rộng, những lạ thay và kỳ diệu thay, những người khổng lồ đầu thế kỷ XX của chúng ta đã thật anh minh nhìn ra và thiết kế cho đất nước này.

N.N.

Haizz. Nhiều lúc chẳng biết nên vui hay nên buồn.😉

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Cpl

         Cách đây 10 năm, nó bỏ lỡ 1 cơ hội thực hiện mong muốn cá nhân, chỉ vì sự thiếu tự tin. Trong khi đó, bao nhiêu người không có suy nghĩ như nó, họ chỉ quan tâm đến mục đích của họ,  mà không cần biết bản thân cần phải nổ lực như thế nào để đạt được mục đích đó. Năm đó, nó bỏ cuộc. Nhưng nỗi mong muốn học hỏi vẫn không ngừng thôi thúc nó, mặc dù nó biết đó là 1 chặng đường không hề đơn giản. Hi hi. 7 năm sau cái ngày nó rời “cuộc tình cũ”, thì cơ hội cho “cuộc tình mới” xuất hiện, lần này thì nó quyết không để vụt mất. Háo hức dự tuyển, chờ đợi và vui vui  với những bỡ ngỡ của bài học đầu.Có rất nhiều, và rất nhiều những thứ nó không biết, càng ngày nó càng thấy mình ngu. Nhưng  quyết không bỏ cuộc, hãy nhìn những người giỏi xung quanh để đi, để bò, để chạy, Hi hi hi. Và… nhất là để không bị Sgs chê. Ha ha ha.

Tuần vừa rồi nó đã đến vạch đích. Kết thúc 4 năm cày bừa, đã nhận được không ít những lời khen từ thầy, cô, bè bạn, chắc phần lớn là khích lệ. 😃😃😁Nó nghe kể rằng, tất cả các khóa sau, tên nó được nhắc đến khi có 1 ai đó muốn bỏ cuộc. Hi hi hi😂

Thời gian sắp đến, rảnh rỗi rồi, nhưng không có nghĩa thả trôi. Vẫn còn ngu lắm nghen. Hic.😄😏

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

ĐỪNG TƯỞNG

 Hông biết bản gốc ra sao? Ahihi🍗


Đừng tưởng cứ núi là cao

Cứ sông là chảy cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ cao là sáng cứ tu là hiền.
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù
Đừng tưởng cứ trọc là sư…
Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng có của đã sang…
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
Đừng tưởng cứ uống là say…
Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ…
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần
Đừng tưởng cứ mới là tân…
Cứ hứa là chắc cứ ân là tình
Đừng tưởng cứ thấp là khinh…
Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Đừng tưởng cứ quyết là nên…
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Đừng tưởng cứ lớn là khôn….
Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
Đừng tưởng giàu hết cô đơn…
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đừng tưởng cứ gió là mưa…
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve…
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…
Đừng tưởng thu lá sẽ tuôn…
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.
Đừng tưởng cứ thích là yêu…
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng vua là anh minh…
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm…
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng cười nói ân cần…
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường…
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười…
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
Đừng tưởng khó nhọc gian lao…
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay…
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng nắng gió êm đềm…
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung…
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên…
Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng…
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu…
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn…
Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.
☆☆☆
Đời người lúc thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên…!
BÙI GIÁNG

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Lên Trời

 Đường lên Trời cũng lắm gian nan, he he he :) :) 





Một kiểu tập thể dục, chinh phục bản thân 😀😀😀😃😄😄

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

THÁNG 8

 THÁNG TÁM

Trời thoắt mưa thoắt nắng
Ngày lúc tạnh lúc giông
Đường khi là dòng sông
Vỉa hè khi ngợp lá


Có trưa nồng hối hả
Có sương sớm hiền hòa
Gió xôn xao hương lạ
Bay trên phố tình ca
Mùa tháng tám vàng thu
Radio ngân khẽ
Buồn vui câu chuyện kể
Lời thì thầm bạn tôi


Có nhè nhẹ xa xôi
Trong tình cờ gặp gỡ
Chiều nay về qua ngõ

Còn thấy nụ cười xưa?
(Winlinh)

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Nhật

 

Những luật ngầm ở Nhật Bản.

1. Sau khi ăn xong. Không dùng tăm ở nơi công cộng. Nếu dùng thì phải kín đáo hay vào nhà vệ sinh mà dùng
2. Vào nhà hàng không dùng khăn nóng lau mặt, chỉ để lau tay thôi
3. Người cùng giới đi ngoài đường không choàng vai bá cổ nhau
4. Không dùng ngón tay chỉ vào người khác
5. Không rung đùi
6. Dùng chén, đũa đúng
7. Không hỏi tuổi người đang nói chuyện với mình
8. Ngoài người yêu, vợ, chồng, con ra, không bao giờ động chạm vào người đang nói chuyện với mình kể cả lúc thân mật cũng như lúc giận dữ/cãi cọ
9. Không nhổ nước bọt, ngoáy mũi ngoài chổ công cộng
10. Không nói chuyện ồn ào làm phiền hàng xóm
11. Lên tàu điện giữ trật tự, không nói chuyện ồn ào làm phiền người xung quanh
12. Lên tàu điện, lúc nghe nhạc không để âm thanh quá lớn
13. Không ăn uống trên tàu điện
14. Không vắt chân khi ngồi trong tàu điện
15. Không chen lấn, xô đẩy
16. Xếp hàng, không chen ngang
17. Không vứt rác bừa bãi, rác mình thải ra có thể mang về về nhà bỏ khi cần
18. Không để ý soi mói người xung quanh/hàng xóm
19. Không trộm cắp
20. Không cãi, đánh lộn
21. Không gây ồn làm phiền người khác khi ở nhà
22. Không liếc ngang, liếc dọc khi đối thoại
23. Khi làm việc, không sờ vào những thứ chưa biết
24. Đi vào nhà Nhật, hay ăn kiểu Nhật không mang giầy lên sàn, phải cởi giày để ở dưới đất.
25. Đi lên sàn có chiếu tatami, mang vớ đừng cỡi
26. Không gắp thức ăn cho người khác .
27. Không hỏi lương của người khác.
28. Không hỏi cân nặng cũng như bình luận về hình thể người đang nói chuyện với mình. Ở VN đối với người thân quen việc khen tròn trịa có thể là điều tốt. Còn tại Nhật nói...ốm OK, nói mập....kỵ lắm ah' !!
29. Không chở nhau bằng xe đạp. Xe đạp chỉ dành cho 1 người. Cảnh sát sẽ hỏi thăm nếu thấy mình đi xe đạp mà chở thêm 1 người nữa.
30. Không lái xe lúc uống bia rượu. Sẽ bị phạt rất nặng nếu bị phát hiện
31. Không vừa đi vừa hút thuốc, không bỏ tàn thuốc bừa bãi
32. Không khoanh tay trước mặt, không đút tay 2 tay vào túi quần khi nói chuyện
33. Không cho số điện thoại, địa chỉ của người này cho người khác khi chưa có sự đồng ý.
34. Không nói chuyện điện thoại tại chỗ đông người (bữa ăn, buổi nói chuyện...).
(LVQ sưu tầm)

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

 


Minh Trị Thiên Hoàng và công cuộc thúc đẩy Tây du, canh tân đất nước

Trong nhiều lần qua lại nước Nhật, mình đều thấy bất ngờ về những thành tựu mà người Nhật làm được. Và cũng dễ dàng nhận thấy sự tôn kính mà bè bạn của mình ở Nhật dành cho Minh Trị Thiên Hoàng, vị minh quân xây nền móng canh tân Nhật Bản để họ cạnh tranh ngang ngửa với phương Tây.
Minh Trị sinh năm 1852 là một vì vua xuất thân là con trai thứ. Mà không chỉ là con trai thứ bình thường, ông là con trai thứ của Thiên Hoàng Hiếu Minh với bà Nakayyama Yoshiko, một phi tần vốn là con gái lãnh chúa. Ông sinh ra sau vua Tự Đức của VN 5 năm và cai trị cùng thời với vua Tự Đức. Ông là con trai duy nhất sống sót trong số 6 người con của cha ông. 5 anh em còn lại đó đều chết trẻ.
Gia đình Hoàng gia ủy thác việc nuôi ông cho gia đình Nakarama ở Kyoto và sau đó Anh Chiếu Hoàng Thái Hậu nuôi ông. Hồi nhỏ ông là người nhút nhát, sợ sệt và yếu đuối.
Nhưng tới 15 tuổi, năm 1867, một biến cố lớn tới với ông khi Thiên Hoàng Hiếu Minh băng hà rất sớm ( 35 tuổi). Thế là Minh Trị lên ngôi.
Vào thời điểm ông lên ngôi, Nhật Bản căn bản là một nước nông nghiệp lạc hậu, hàng trăm năm qua đã bế quan tỏa cảng. Ngoài nước thì Nhật bị Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Nga… buộc phải ký một loạt hiệp ước bất bình đẳng. Trong nước thì do Mạc phủ Tokugawa quản trị, vua chỉ là bù nhìn.
Việc Minh Trị lên ngôi là cơ hội khiến cho các Damyo và đồng minh dẫn 1000 samurai về Tokyo ủng hộ ông và lật đổ chế độ Mạc phủ Tokugawa. Tháng 1/1868, Thiên hoàng Minh Trị chính thức lấy lại quyền điều hành đất nước từ tay Mạc phủ, chính thức chấm dứt 265 năm Mạc phủ.
Có lẽ do dòng máu cao quý và những biến cố rất lớn của đời người đã khiến chú bé nhút nhát như ông hoàn toàn thay đổi. Khi lên ngôi cùng năm 1868, Minh Trị đã đưa ra 5 lời tuyên thệ trọng đại trước toàn dân:
1/ Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định;
2/ Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước;
3/ Văn võ một đường, từ công khanh đến thứ dân, đều được toại chí, khiến cho lòng người hăm hở sốt sắng;
4/ Thảy bỏ hết những thói hư mối tệ chất chứa lâu đời, từ đây gắng gổ duy tân tự cường, hiệp theo công đạo của Trời Đất;
5/ Cầu trí thức ở thế giới, làm cho nước nhà trở lên mạnh lớn vẻ vang.
Một vị vua 16 tuổi đầu dám tuyên thệ như vậy, có khi chỉ một là nói miệng cho vui, hai là bị giật dây. Nhưng Minh Trị nói là làm.
Việc đầu tiên là ông thiên đô từ Kyoto về Tokyo để thuận lợi cho phát triển đất nước.
Cho dù vẫn là một vị quân phiệt, song ngoài các chính sách truyền thống, ông bắt đầu áp dụng các canh tân từ những kiến thức về phương Tây mà ông học hỏi được. Năm 1871, Minh Trị đã có một quyết định chấn động. Đó là cử một phái đoàn lớn đi vòng quanh thế giới trong 22 tháng. Họ qua các nước phương Tây mong đàm phán xóa bỏ các Hiệp ước bất bình đẳng cũ và xem có học hỏi được gì không.
Trong 22 tháng công du, sứ bộ Nhật đã dành 10 tháng ở Mỹ, còn lại tới các nước Tây Âu như Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Ý…
Từ đó họ rút ra kết luận rằng Phương Tây nhất định không nhượng bộ Nhật để đàm phán lại. Con đường duy nhất mà Nhật Bản phải đi là vươn lên, tự lực, tự cường ngang bằng với các nước phương Tây, đến lúc đó mới có thể xóa bỏ các hiệp ước đó. Và nên cải cách toàn diện từ chính trị, thể chế, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Từ đó dẫn tới hàng loạt các cải cách quan trọng của Minh Trị Nhật Hoàng nhằm canh tân nước Nhật.
Và họ quyết tâm làm nhanh làm mạnh, là vì khi đó Nhật chỉ thua phương Tây cỡ 50 năm. Nếu làm nhanh còn kịp đuổi theo, chứ nếu là thua ở khoảng cách vài trăm năm thì đuổi theo vô cùng khó khăn. Kết quả họ đã làm như sau:
+ Năm 1885, Thiên hoàng bãi bỏ chế độ Thái chính quan cũ, xây dựng chế độ Nội các theo hình mẫu phương Tây. Đứng đầu là Nội cácTổng lý đại thần trực thuộc Thiên hoàng ( nay gọi là Thủ tướng Nhật).
+ Năm 1889, cho ra đời Đại Nhật Bản Đế Quốc Hiến pháp, vốn dựa trên hiến pháp của Đức làm khuôn mẫu
+Năm 1872 cho thi hành chế độ giáo dục cưỡng bức với việc tạo ra nhiều hội truyền bá kiến thức học thuật, dịch thuật, văn hóa, khoa học, mở mang báo chí, thư viện công cho quốc dân.
+ Triều đình cho du sinh Tây du để học hỏi về hệ thống chính trị, quân sự, kinh tế. Trẻ em từ 6-14 tuổi đều bắt buộc phải học tập và được triều đình chi trả 100% các khoản phí giáo dục với các môn học được áp dụng theo hình mẫu phương Tây.
+ Bãi bỏ hệ thống lãnh địa của các địa chủ, tướng lãnh mà lập thành các huyện để quản lý trên toàn quốc.
+ Ban bố quyền tự do buôn bán và đi lại, thiết lập chế độ tiền tệ thống nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển chủ nghĩa tư bản tới tận cùng các vùng nông thôn
+ Quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây. Quân đội Nhật Bản áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự, tăng cường mua và sản xuất vũ khí đạn dược. Mời giảng viên Âu Mỹ về giảng dạy và đưa một số sinh viên quân sự đi học tập tại phương Tây .
Thiên Hoàng Minh Trị được coi là đấng minh quân Nhật Bản. Minh Trị Duy Tân là cuộc cải cách thành công đưa nước Nhật thoát khỏi chế độ phong kiến và sự lệ thuộc vào các nước phương Tây, tiến lên chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Nhật trở thành Đại đế quốc duy nhất tại Á châu đủ sức cạnh tranh với Nga, Anh, Hoa Kỳ, Đức. Họ đã thắng Trung Quốc trong cuộc chiến 1894, thắng Nga trong cuộc chiến 1904 và tất cả các hiệp ước bất bình đẳng trước đây với các nước phương Tây đã bị xóa bỏ.
Thiên Hoàng Minh Trị xứng đáng là một vị quân vương mà nhiều quốc gia mơ ước.
(Nguyễn Thị Bích Hậu)

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Túy lan ông

 Đẹp dzậy nè:


Mà từ khi nở đến khi tàn cứ cúi mặt dzậy nè:



        Bữa hổm Cô dzề thấy hoa nở, Cô hỏi:
    -  Chứ có biết tên nó không?
Nó cười: 
    - Dạ biết
Nhân tiện Cô kể luôn câu chuyện:
    - Nếu để ly rượu dưới hoa, nó cứ cúi xuống ly rượu miết thôi, haha, bởi vậy mới có tên Túy lan ông :)

    He he he 


Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Bần

 Cô bạn nhờ đặt vé máy bay, giựt mình, sao cao quá vậy!

Nghĩ buồn cười, bao nhiêu năm hoàng kim, độc quyền, ăn nhiều, o ép các hãng khác thì im re. Mới 2 năm ế ẩm thì la ó đòi nn trợ cấp. Giờ thì cứ có dịp là ngoi lên chặt. 

Haizz. Dân xứ nó gọi vậy là bần....Heee

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

Đếm

 Đếm lá

"Ta biết người buồn như xương lá

Nên ta ngồi yên ngắm tán cây

Ta biết ta buồn như vết nứt

Nên ta ngồi thở chỉ ta hay...☺"








Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Tiếng Việt

 Nhân học về Tiếng Việt, đọc đoạn này, thấy hay, để vô đây, khi rảnh.....cãi. Hi hi hi.

Hồi mình ở quê, cả nhà cả xóm cả làng cả quê mình đều kêu con gà che là con gà che. Sau này lên Sài Gòn, thấy nhiều bảng hiệu ghi "gà tre", internet cũng viết "gà tre". Dạo đó, mình hoang mang dễ sợ. Hoang mang y như những bạn chọn số nhiều mỗi lần chơi khảo sát nhanh.
Hồi mình ở quê, qua nhà hàng xóm ăn cơm, cha mình bảo sao đi ăn chực miết vậy. Sau này lên Sài Gòn, tiếp xúc internet, thấy người ta bảo "ăn trực ăn trực". Dạo đó, mình lại hoang mang dễ sợ. Hoang mang y như những bạn chọn số nhiều mỗi lần chơi khảo sát nhanh +1.
Hồi mình ở quê, bà con cô bác mỗi lần nói cái gì đó nhiều lắm thì đều bảo là "quá chời". Mình còn tưởng là do nói chệch "trời" thành "chời". Sau này lớn lên đọc sách mới biết, hóa ra mình nhầm. Nhầm quá chời!
- Gà che
"Che" là từ gốc Khmer. Vương Hồng Sển giải thích tên loài gà này trong sách "Phong lưu cũ mới" rằng: “Gà cỏ tức là gà rừng nhỏ con, khi gọi gà ri, gà che, lâu ngày biến thành gà tre tưởng nó ở bụi tre, kỳ thực gà che do chữ Khmer mon-che (gà rừng xứ Thổ)”.
Gà che có thể quanh quẩn bụi tre thật, nhưng nó là gà che.
- Ăn chực
"Đại Nam Quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Của giảng, "chực" là đứng mà đợi, tới cho có mặt. Chực hờ là đợi trước, ngừa đón. Ăn chực là "xẩn bẩn theo mâm cơm, đồ ăn, có ý kiếm chác, xin xỏ hoặc chờ mời".
Nói chung đi ăn ké người ta thì gọi là ăn chực, không phải ăn trực.
- Quá chời
"Tự vị tiếng nói miền Nam" của Vương Hồng Sển giảng, "chời" là "có nhiều, dư ra. Chính là chữ "đa" nói theo tiếng Triều Châu". "Quá chời" nghĩa là quá nhiều, nhiều lắm luôn.
Nên khi người miền Nam, nhất là Tây Nam Bộ nói "quá chời" thì có nghĩa là họ nói "quá chời" mà cũng có thể là họ nói "quá trời". Muốn biết ý họ là "quá chời" hay "quá trời" thì bạn nên hỏi họ ý họ là "quá chời" hay "quá trời" nha. (Cũng có thể vốn là người ta chỉ nói "quá chời" nhưng con cháu tưởng họ nói sai, tự động sửa thành "quá trời", tương tự như con cháu đã sửa từ "trả nủa" của ông bà thành từ "trả đũa" vậy.)
Tóm lại, người miền Nam tụi tui có khi nói đúng lắm các bạn ạ. Tại người ta hay nghĩ tụi tui nói đớt thôi. Dù đôi khi, tụi tui đớt thiệt!
(Lượm trên net) :) :) :)

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

GD xưa

Ngày xưa ơi...., Hỳ


Sắp tới sách cũng sẽ to, đẹp và nhiều....mn



Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

Cẩu

 Lượm từ net

CỐ CẨU

(Truyện cực ngắn)

Nhân ngày nghỉ, tôi tới thăm ông Phệt ở làng Còng. Cổng vào nhà ông có hai con chó bằng sứ, đặt trên trụ cổng, một con vằn, một con vện. Tôi đứng ngắm cặp vằn vện ấy mãi mà không biết con nào đực, con nào cái. Ông Phệt từ phía trong bước ra, thấy tôi hết ngoái sang phải, lại ngoái sang trái, rồi lại ngoái sang phải… liền bảo:

“Đầu anh lắc như con đông tây…”

Đoạn, ông trỏ con chó bằng sứ bên phải, bảo: “Đây là vạn vật, không phải chó.”

Rồi lại trỏ con bên trái bảo: “Đây là trăm họ, cũng không phải chó”.

Nghe câu nói kì lạ. Tôi đề nghị:

“Tôi quê mùa dốt nát, xin ông giảng kĩ”.

Ông Phệt kể:

“Xưa ông nội tôi tới một lò gốm, đặt làm một pho tượng, tượng trưng cho vạn vật. Chủ lò gốm đúc con chó vằn. Ông nội tôi thắc mắc, sao vạn vật lại là chó vằn? Chủ lò gốm bảo: “đấy là ý trời. Nên mới có câu: "thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” – ý trời coi vạn vật là chó rơm”.

Sau đó ông nội tôi lại đến đặt pho tượng, tượng trưng trăm họ, chủ lò gốm lại đúc ra con chó vện. Lại thắc mắc thì chủ lò gốm bảo: “Đó là ý của thánh nhân. Nên mới có câu: "thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu” – ý thánh nhân coi trăm họ cũng là chó rơm”.

Thì ra ông chủ lò gốm ngày trước là người hay chữ.

Rồi ông mời tôi vào nhà. Vừa bước qua cổng, lại thấy hai hàng chó sứ đứng hai bên. Tôi bèn trỏ lũ chó, hỏi:

“Ngoài kia là vạn vật, là trăm họ, thế trong này là gì?”

Ông Phệt trả lời:

“Trong này là các đời chó nuôi trong nhà, từ thời ông nội tôi đến nay, con nào chết cũng đều đúc tượng bằng sứ, gọi là cố cẩu…”

Tôi càng lấy làm quái dị. Ông giảng tiếp:

“Một đời người bằng năm sáu đời chó… cho nên từ đời ông nội tôi đến nay đã có hai hàng cố cẩu này”.

Tôi dừng lại ngắm nghía hai hàng chó sứ. Ông Phệt vào nhà trước pha trà. Đang nhẩm đếm hàng bên tả, bỗng một con chó vàng chạy từ trong nhà chạy ra, sợ nó cắn, tôi lùi lại một bước để tránh thì nó biến mất. Đếm hàng bên tả được 5 con. Quay sang hàng bên hữu, con vàng lại xuất hiện. Tôi vội vàng lùi một bước nữa để tránh, nó lại biến mất. Tôi đếm hàng bên hữu cũng được 5 con.

Vào trong nhà, uống xong chén nước, ông Phệt hỏi:

“Lúc nãy anh đếm được mấy pho tượng cố cẩu?”

Tôi trả lời ngay, mỗi bên 5, tổng cộng 10 con.

Ông Phệt bảo:

“Sai rồi, mỗi bên 4, tổng cộng có 8 con”

Thấy quái lạ, tôi bèn quay đầu ra bên ngoài đếm lại. Quả mỗi bên có 4 con. Chẳng lẽ lúc nãy tôi hoa mắt? bèn lẩm bẩm:

“Thật kì lạ, lúc nãy có 10, sao giờ lại là 8…”

Ông Phệt cười to rồi bảo:

“Nhà tôi mới có 8 cố cẩu. Một con còn đang nuôi, chưa chết nên chưa đúc tượng. Nhưng nó biết thế nào cũng được đúc tượng nên thích chí lắm, lúc nó đứng hàng bên này, lúc chạy sang hàng bên kia để ướm thử... cho nên anh mới nhầm thành 10 đấy mà thôi.”

Thì ra là cái con vàng ấy, tôi nghĩ bụng. Bên tai vang lên tiếng ngâm nga của ông Phệt:

"Ta đi giữa hai hàng cố cẩu

Dẹp một hàng, hay để chó sinh sôi..."

Thì ra ông Phệt cũng là người hay thơ.

(P.L.V)

Càng đọc càng thấm, hi hi :)